Trần Viết Thắng (người đội mũ) hướng dẫn khách hàng cách chăm hoa hồng cổ

Viết Thắng là người con vùng đất Quảng Bình. Anh tốt nghiệp ngành Nông học tại Trường đại học Quy Nhơn. Ham học hỏi, chàng trai trẻ lại tiếp tục theo đuổi việc học, và anh đã chọn học thạc sĩ ngành Khoa học Cây trồng tại Trường đại học Nông lâm Huế.

Anh kể: “Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, mình đã có công việc ổn định tại Ninh Thuận. Dù vậy, mình vẫn muốn làm một cái gì đó thật khác biệt. Một công việc chứa đựng hoài bão của tuổi trẻ”. Thế là, chàng thạc sĩ trẻ quyết nghỉ việc, anh lặng lẽ theo đuổi đam mê với các loài cây.

Một thời gian bươn chải với rau sạch tại Đà Nẵng, dù không phù hợp, Trần Viết Thắng vẫn quyết tâm đi theo con đường mình đã định. Không lựa chọn rau màu nữa, anh chuyển hướng.

Một lần nữa, chàng trai cao lêu nghêu lại bén duyên với đất Huế. Tại đây, anh đã dốc toàn bộ vốn liếng và công sức vào mô hình trồng hoa. Một hành trình vất vả khác lại bắt đầu, gian nan hơn rất nhiều so với những gì chàng thạc sĩ trẻ dự liệu.

Với số vốn ban đầu, Viết Thắng trồng hoa trong nhà giàn ni lông bằng tre. Anh nhớ lại: “Thời điểm đó là dịp cận Tết 2017. Thiếu vốn nên mình chỉ có thể làm giàn tre, kinh nghiệm lại chưa có nên chất lượng hoa thấp. Vì thế, vườn hoa thua lỗ nặng, công sức và tiền bạc hầu như thành muối bỏ bể”.

Thế là Thắng phân vân, day dứt với những chọn lựa, tiếp tục theo đuổi đam mê hay từ bỏ. Anh đã trải qua một mô hình rau sạch. Còn ở đây, với thời tiết xứ Huế khắc nghiệt, liệu anh có bám trụ nổi?.

Vậy mà chàng trai sinh năm 1989 đã quyết định ở lại, nỗ lực vì hoa, hướng đi mà nhiều người cho là gàn dở lúc ấy.

Giờ đây, khi ghé chân vào vườn hoa tại Viện Nghiên cứu Phát triển, Trường đại học Nông lâm Huế, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì ngay tại xứ Huế, những loại hoa chuộng khí hậu mát mẻ vẫn bung nở hương sắc.

Chàng thạc sĩ trẻ cho hay: “Không phụ công, giai đoạn 2017 – 2018, trại hoa của mình bắt đầu ăn nên làm ra và cho lãi. Nhờ đó, mình lại càng nỗ lực nâng cao chất lượng hoa, tìm kiếm thêm những dòng hoa mới, đẹp, chăm sóc làm sao cho phù hợp với thời tiết, khí hậu xứ Huế”.

Cuối năm 2018, Trần Viết Thắng xây dựng nhà kính, giúp hạn chế sự tác động thất thường của thời tiết đến hoa; tạo môi trường sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng phù hợp để trồng trong nhà kính. Vì thế, chàng trai mê hoa đã phân lô một cách hợp lý. Khu nhà kính rộng hơn 500m2 sẽ bao gồm các loài, như dạ yến thảo, ngọc thảo, hoa đồng tiền, triệu chuông, những loài yêu thích khí hậu mát mẻ. Ở ngoài trời sẽ là không gian của hoa hồng trong nước và nhập ngoại.

Đáng chú ý nhất là các loại hồng cổ. Đây là loài thích nghi tốt với khí hậu Việt Nam, phát triển bền bỉ, mãnh liệt. Tuổi thọ của cây lên đến vài chục năm, giá thành thường từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/chậu. Các loại hoa treo thường đồng giá 70 nghìn đồng/giò. Hàng tháng sau khi trừ chi phí, vườn hoa của Trần Viết Thắng cho lãi 15 triệu đồng. Lượng khách hàng ổn định, nhiều loại hoa không đủ để cung cấp cho mối sỉ.

Vào thời điểm này, chàng thạc sĩ trẻ đang cập nhật những xu hướng để tăng doanh thu. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt hiện đại vừa mới được đầu tư, giúp giảm chi phí, tiết kiệm tối đa thời gian. Ngoài ra, anh còn bổ sung những loài cây đẹp, lạ mắt, trong đó cà chua mini là loại đang tạo ra sức hút lớn.

Nỗ lực không ngừng, nắm bắt được xu thế, Trần Viết Thắng đã thể hiện bản lĩnh của một người trẻ, dù thất bại nhưng biết đứng dậy và bước tiếp. Chàng thạc sĩ mê hoa là hình ảnh chân thực nhất của người trẻ khởi nghiệp, khi đã đặt tâm huyết vào đam mê, thành công ắt sẽ đến.

Bài, ảnh: Mai Huế