Lạm dụng

Lâu nay, chúng ta vẫn thường thấy trong các kết luận kiểm tra, kết luận hoặc kiểm điểm vi phạm đối với đảng viên thường cho “rút kinh nghiệm”.

Theo quy định của Điều lệ Đảng, xử lý sai phạm của đảng viên có các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Luật Cán bộ, công chức quy định: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Luật Viên chức là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Như vậy, trong quy định xử lý không có hình thức kỷ luật “rút kinh nghiệm”. Mặc dù không có nhưng người ta đã biến hình thức này thành một kiểu “kỷ luật” biến tướng, một hình thức “chạy tội” hợp pháp.

Trong thực tế, qua thanh tra, kiểm tra có nhiều hành vi xác định có vi phạm phải kỷ luật, nhưng kết luận lại cho rút kinh nghiệm hoặc rút bài học sâu sắc. Xem những sai phạm đó như một khuyết điểm thông thường và tất nhiên không đưa ra một hình thức kỷ luật cụ thể. Gần đây, một lãnh đạo ở tỉnh Sóc Trăng tổ chức cưới cho con rầm rộ 3 ngày gây phản ứng dư luận cũng được cho rút kinh nghiệm, dù đã vi phạm quy định trách nhiệm nêu gương và những điều đảng viên không được làm.

 Bộ luật Hình sự có quy định tình tiết giảm nhẹ để xem xét mức độ vi phạm trong quyết định bản án. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chỉ nêu mức độ giảm nhẹ với những tình tiết mang tính khách quan, ảnh hưởng không đáng kể. Không có khái niệm hoặc điều khoản nào quy định hình thức rút kinh nghiệm. Do vô tình hay cố ý không hiểu, nhưng đã có sự nhầm lẫn giữa vi phạm và khuyết điểm. Nếu là khuyết điểm thì có thể cho rút kinh nghiệm vì khó ai tránh khỏi va vấp, thiếu sót do khách quan trong quá trình công tác. Nhưng đã vi phạm kỷ luật thì dù nhỏ cũng phải có hình thức xử lý, nhẹ nhất cũng là khiển trách.

Căn bệnh này dễ thấy ở nhiều cơ quan, tổ chức có dấu hiệu không bình thường trong đoàn kết nội bộ, đấu tranh phê bình bị xem nhẹ hoặc không nghiêm túc trong sinh hoạt đảng. Mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp trong nội bộ bị xáo trộn bởi lợi ích nhóm, cục bộ, ê kíp, thân hữu. Đã trong “cùng phe” với nhau thì không thể “vạch áo cho người xem lưng”, càng không thể đấu tranh phê bình sòng phẳng vì kỷ cương, lẽ phải. Nói chính xác hơn đây là cách để thủ trưởng bao che, khỏa lấp sai phạm cho “đệ tử thân ruột” và ngược lại cấp dưới có điều kiện bảo vệ cho cấp trên khi có vi phạm. Nó trở thành vòng tròn khép che giấu những tiêu cực trong từng cơ quan, từng tổ chức. Không nhận ra sai phạm sẽ dẫn đến tình trạng tập thể đạt “trong sạch vững mạnh”, cá nhân “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, nhưng không lâu sau phát hiện đơn vị thất thoát, thua lỗ, cá nhân dính tham nhũng. Đây chính là hệ quả tất yếu của thiếu nghiêm túc trong xử lý kỷ luật.

Nghiêm minh xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm

Điều 35 Điều lệ Đảng quy định: “Tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời”. Như vậy, quy định của Đảng đòi hỏi phải khách quan, nghiêm minh khi xử lý vi phạm cán bộ, đảng viên. Các văn bản của Đảng gần đây đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo xử lý sai phạm không loại trừ ai, không có vùng cấm, sai đến đâu xử lý đến đó.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có nhiều bản án kỷ luật thích đáng đối những cán bộ, đảng viên, kể cả người có chức vụ cao. Người có công được khen thưởng, khi có sai phạm phải chịu kỷ luật, đó là quy luật bình thường. Tuy nhiên, trong thực tế hình thức “rút kinh nghiệm” đang còn khá phổ biến, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều cơ quan, đến nay vẫn còn được sử dụng như một cách kỷ luật “thịnh hành”. Nhiều khi được hiểu như đó là một hình thức của kỷ luật trong Đảng và chính quyền. Không ít trường hợp lợi dụng hình thức này để lách luật, biến những sai phạm nặng thành nhẹ, từ nhẹ xem như khuyết điểm nhỏ rồi cho rút kinh nghiệm. Đó là điều không thể chấp nhận!

 Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, quyết tâm phòng chống tham nhũng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng đã đem lại những kết quả thực sự trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị. Nếu làm mạnh, quyết liệt hơn nữa chắc chắn còn nhiều bầy sâu sẽ bị cho “vào lò”, không còn kiểu rút kinh nghiệm tràn lan. Xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng trong kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

 NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH