Lãnh đạo các nước thành viên tại một hội nghị thượng đỉnh của NATO năm 2018 ở Brussels, Bỉ. Ảnh: UPI/Baomoi

Một số nhà lãnh đạo EU lo ngại rằng các rạn nứt khu vực và chính trị có thể phá vỡ sự đoàn kết của khối với vai trò gìn giữ hòa bình và thịnh vượng trên lục địa, bao gồm cả ở phía đông châu Âu sau sự sụp đổ của khối Xô Viết.

Pháo và Đức, từ lâu được coi là trục của quá trình thống nhất sau Thế chiến II, cùng nhất trí rằng một "Hội nghị về tương lai châu Âu" là điều cần thiết để giúp EU đoàn kết và có quyền quyết định nhất quán hơn trong một loạt các thách thức, đề cập đến vai trò của châu Âu trên thế giới và an ninh của khối, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng rằng châu Âu không được trang bị đầy đủ để đối phó với các thách thức kinh tế và an ninh mới, đặc biệt là từ một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến giới lãnh đạo phương Tây “dậy sóng” khi tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang “chết não”, từ đó thúc giục châu Âu tăng cường khả năng hành động vì không thể dựa dẫm vĩnh viễn vào nước Mỹ. Ngoài ra, các lĩnh vực khác mà châu Âu cần đoàn kết hơn bao gồm các vấn đề số hóa, biến đổi khí hậu, di cư, đấu tranh chống bất bình đẳng, "kinh tế thị trường xã hội" và luật pháp.

Trong tài liệu chung, hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức cho rằng bên cạnh các mục tiêu khác, khối nên xem xét đến các cải cách, điều này sẽ thúc đẩy dân chủ và thống nhất hoạt động của một khối gồm 27 quốc gia, sau khi Anh dự kiến rời EU vào ngày 31/1 tới.

Thực tế, nhiều công dân EU cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe và có rất ít lòng tin  vào tổ chức của mình, dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 với kết quả rời khỏi khối EU của Anh. Do đó, hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức nhấn mạnh rằng công dân của khối sẽ cần phải tham gia chặt chẽ vào sự phản ánh về tương lai của châu Âu thông qua "quá trình từ dưới lên" trong các cuộc tham vấn.

Theo các nhà ngoại giao, tài liệu chung này đã gửi một thông điệp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào ngày 12/12-13/12 rằng các quốc gia thành viên EU phải tham gia sâu hơn vào các phản ánh về tương lai của châu Âu trong bối cảnh thể chế đang nắm giữ vai trò lãnh đạo.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)