- ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế: Chúng tôi xin khẳng định, việc Công ty Công nghiệp hóa chất Tây Nguyên đơn phương chấmdứt HĐLĐ với bạn, vì lý do bạn nhập ngũ, là trái với quy định của pháp luật. Bởi, theo điểm a, khoản 1, điều 35 BLLĐ, khi người lao động (NLĐ) đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc các nghĩa vụ công dân khác thì thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Khi hết thời gian tạm hoãn đối với trường hợp này, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải nhận NLĐ trở lại làm việc (khoản 2, điều 35 BLLĐ). Vì vậy, khi bạn đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, HĐLĐ giữa bạn và công ty sẽ được tạm hoãn thực hiện. Khi bạn hoàn thành nghĩa vụ quân sự, doanh nghiệp sẽ phải nhận bạn trở lại làm việc theo đúng luật định.

Vì công ty sai nên bạn có quyền khiếu kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là tranh chấp lao động cá nhân nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp, gồm: Hội đồng hòa giải cơ sở (hay hòa giải viên lao động) và Tòa án nhân dân (điều 165 BLLĐ). Do đó, bạn có thể yêu cầu Hội đồng hòa giải cơ sở (hay Hòa giải viên lao động) giải quyết. Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà Hội đồng hòa giải cơ sở hoặc Hòa giải viên lao động vẫn không tiến hành hòa giải thì bạn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ như của bạn thì bạn có thể khởi kiện thẳng ra tòa án mà không cần qua thủ tục hòa giải cấp cơ sở (điểm a, khoản 2, điều 166 BLLĐ). Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân đối với trường hợp của bạn là một năm kể từ ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng: quyền, lợi ích của mình bị vi phạm (khoản 1, điều 167 BLLĐ). Như vậy, bạn có thời gian là một năm kể từ ngày bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ để khởi kiện đòi quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
 
Vì công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, nên căn cứ điều 41 BLLĐ, doanh nghiệp phải nhận bạn trở lại làm việc (sau khi bạn đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự) và phải bồi thường cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp (nếu có) trong những ngày bạn không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp (nếu có). Nếu bạn không muốn trở lại làm việc thì ngoài các khoản tiền bồi thường nêu trên, công ty còn có trách nhiệm trợ cấp thôi việc cho bạn theo quy định sau: “Khi chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ một năm trở lên, NSDLĐ có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có” (khoản 1, điều 42 BLLĐ).

 Bùi Vĩnh (ghi)