Diễn đàn đối thoại sử học diễn ra ngày 27/11 tại UBND tỉnh đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia. Theo đó, diễn đàn ghi nhận những trao đổi góp ý tâm huyết họ để xây dựng Huế trở nên tốt đẹp hơn.

TP. Huế nhìn từ trên cao

Thay đổi diện mạo Huế

Huế là thành phố của ký ức, hoài niệm. Xây dựng Huế đúng hướng phải dựa trên hai yếu tố để đảm bảo sự cân đối, hài hòa là bảo tồn và phát triển; phải biết kết nối giữa con người với cảnh quan, môi trường; giữa quá khứ  với hiện đại để định hướng tương lai; kết nối vùng miền, quốc gia và quốc tế. Song, hiện nay, vì nhiều lý do, đô thị di sản vẫn chưa thể bứt phá.

 Trước những điều này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển tỉnh TS. Cung Trọng Cường xác nhận, thời gian qua đã có nhiều dấu hiệu lạc quan trong việc xây dựng cốt lõi trung tâm. “Chính quyền điện tử các cấp ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, phục vụ công tác lãnh chỉ đạo của các cấp, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đón đầu kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, liên thông “một cửa” quốc gia và khu vực ASEAN. Đã thông qua đề án và bước đầu áp dụng vào các giải pháp đô thị thông minh trên các lĩnh vực”, ông Cường thông tin.

Về định hướng phát triển kinh tế đúng đắn và bền vững, ông Cung Trọng Cường cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển,logistic, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu. “Từ những tiềm năng của mình, Thừa Thiên có thể phát triển theo định hướng “Sáng tạo – công nghệ - nghệ thuật theo hướng thân thiện với môi trường””, TS. Cường khẳng định.

T.S Cung Trọng Cường phát biểu ý kiến tại diễn đàn

Theo ông Phan Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử (KHLS) tỉnh, các cơ quan chức năng cần làm rõ tính đặc thù của Huế, để nhận ra những điểm khác biệt. Qúa trình phát triển, Huế phải đi theo hướng bền vững, do vậy luôn hạn chế hình thành các khu công nghiệp có tính quy mô, dày đặc ở các khu vực gần thành phố, từng bước giảm áp lực dân cư, giải tỏa các hộ ở trong phạm vi khu vực I di tích nhằm đảm bảo tính toàn vẹn các giá trị văn hóa…

Nhìn nhận về chiếc áo mới của thành phố sắp được khoác lên mình, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế -Trương Đình Hạnh cho biết: “Dù phạm vi quản lý lãnh thổ của TP. Huế chưa được mở rộng nhưng TP đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉnh trang đô thị. Đến năm 2019, mật đọ cây xanh TP. Huế đạt 13,5m2/người, hoàn thành 99% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Định hướng đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2019. Công trình sông Ngự Hà không còn bị ô nhiễm. Tỉnh và TP cũng đang triển khai đề án di dời dân ra khỏi khu vực I di tích Kinh Thành”.

Hình thành trung tâm giáo dục, y tế chuyên sâu

Theo PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh, Huế là nơi có ưu thế để xây dựng thành một trong những trung tâm khoa học xã hội nhân văn của đất nước. Quốc Tử Giám Huế để lại một di sản quý giá cho thế kỷ XXI và Đại học Huế hiện nay vẫn giữ được một trung tâm giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước. “Đại học Huế cần phát huy thế mạnh để trở thành Đại học Quốc gia, có như vậy mới đóng góp những giá trị nổi bật cho cả nước. Các nhà quản lý cần nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của khoa học xã hội nhân văn trong sự phát triển của tỉnh. Đó là nền tảng xây dựng thành phố di sản đặc thù mang tầm quốc gia, quốc tế. Đây chính là thế mạnh riêng có để Huế không ngừng phát triển, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc nếu được đầu tư thích đáng”, PGS.TS Đỗ Bang nêu ý kiến.

Đại học Huế với đội ngũ khoa học hàng đầu đất nước đã và đang sáng tạo ra các sản phẩm ngành nghề, sản phẩm khoa học có giá trị cao góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nhà . Hiện, Đại học Huế đang tích cực xây dựng đề án thành lập Đại học Quốc gia Huế để đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Song, PGS. TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế cho rằng, cần có sự đầu tư tương xứng và sự quan tâm đặc biệt hơn nữa; hoàn thiện cơ sở vật chất và cơ chế tài chính theo hướng đại học nghiên cứu, thông minh. Về quản trị đại học, ĐH Huế nỗ lực tăng danh tiếng và xếp hạng đại học trong và ngoài nước; tái cơ cấu ngành nghề đào tạo theo hướng đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo…

Theo các chuyên gia y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cần được đẩy mạnh hơn nữa

Trong điều kiện hiện nay, việc hình thành một trung tâm y tế chuyên sâu được nhiều chuyên gia y tế quan tâm, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy  - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cho rằng, cần một nghị quyết mới để trung tâm y tế chuyên sâu phát triển lên tâm cao mới. Theo đó, phải huy động mọi nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, đồng bộ các thiết chế Trung tâm y tế chuyên sâu, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất hiện đại hóa trang thiết bị; đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế; xây dựng chính sách phù hợp để phát triển y tế; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế.

Để củng cố, hoàn thiện xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu mang thương hiệu quốc tế, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, các thành viên y tế chuyên sâu như, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế, Sở Y tế  cần phối hợp chặt chẽ để hoàn chỉnh mô hình Trung tâm Y tế chuyên sâu; tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành; phối hợp tốt hơn nữa với nhành y tế địa phương để tham gia tích cực công tác y tế dự phòng….

L.Thọ