Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Đại hội. Ảnh: TTXVN

Sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát

Những năm gần đây, nhất là từ Đại hội khóa XII, Trung ương tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, quy định, chỉ thị mới mang tính ràng buộc, thắt chặt kỷ luật: Quy định những điều đảng viên không được làm; các quy định về trách nhiệm nêu gương (khóa XI, XII); Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng (khóa XI, XII); Quy định về kỷ luật đảng viên sai phạm; Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền…, đặc biệt là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là những nội dung mang tính “sống còn” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mọi mặt. 

Tuy đã có nhiều chỉ đạo ráo riết nhưng công tác tổ chức học tập, quán triệt thực hiện chưa thực sự chu đáo, thiếu chiều sâu. Trong KTGS có một nhiệm vụ quan trọng là kiểm tra chấp hành chỉ thị, nghị quyết, quy định của cấp trên, nhưng trong thực tế nhiều tổ chức cơ sở không chủ động làm. Nhiều nơi KTGS đang còn hình thức, làm cho xong việc, chưa đi sâu vào những vấn đề cốt lõi có tính nguyên tắc. Vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều phức tạp về diễn biến tư tưởng chính trị, nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, kiểm soát quyền lực…

Hậu quả của buông lỏng kiểm tra, giám sát

 Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có nhiều cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật, pháp luật. Mới qua hơn nửa nhiệm kỳ XII, số đảng viên bị xử lý các hình thức nhiều hơn số lượng của 30 năm trước. Chưa có giai đoạn nào mà lãnh đạo từ cấp cao đến cấp cơ sở bị kỷ luật nhiều như vậy. Đó là thực trạng đáng báo động.

Sai phạm của cán bộ, đảng viên có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong đó có công tác KTGS  đối với tổ chức Đảng, đảng viên đang bị buông lỏng, thiếu thường xuyên, chưa quyết liệt. Một thực tế là ở nhiều nơi vi phạm trong quản lý tài chính, lãnh đạo có dấu hiệu tham nhũng nhưng hầu như không được phát hiện. Khi báo chí lên tiếng, cấp trên kiểm tra mới “lòi” ra nhiều sai phạm, thời gian diễn ra quá dài. Nhiều tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn nắm vốn đầu tư của Nhà nước bị thua lỗ nghiêm trọng kéo dài, khi thanh tra, kiểm toán vào cuộc mới phát hiện ra sai phạm, lãnh đạo tham nhũng, vi phạm nghiêm trọng quản lý tài chính. Qua theo dõi cho thấy, kiểm tra bất cứ đơn vị nào cũng có vi phạm. Mới đây, thanh tra kết luận những vi phạm lớn ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), Cảng Quy nhơn (Bình Định), quản lý đất đai ở Khánh Hòa và vụ khởi tố mới nhất là nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến là những ví dụ. Bài học rút ra từ những “điển hình” đó chính là buông lỏng quản lý, thiếu KTGS  trong Đảng, thanh tra, kiểm toán của chính quyền.

Một số vấn đề tồn tại cần chấn chỉnh

Theo Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương thì có 2 hình thức là kiểm tra thường xuyên và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Kiểm tra  thường xuyên được tiến hành theo kế hoạch của cấp ủy Đảng theo định kỳ hàng năm, chương trình của nhiệm kỳ. Nội dung được xác định từng chuyên đề theo hướng dẫn của cấp trên và kế hoạch từng cấp theo Điều lệ Đảng. Do có nhiều nội dung nên phải xác định những vấn đề gì cần làm, xác định yếu kém, tồn tại để tập trung chấn chỉnh. Đây là một khâu đang rất yếu khi mà cấp ủy  nặng về kiểm tra thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, không chủ động hoặc rập khuôn theo hướng dẫn.

Những tồn tại, yếu kém hoặc môi trường, điều kiện dễ phát sinh sai phạm không được chú ý vạch ra để làm. Một số cơ sở đề ra chương trình kiểm tra cho đủ thủ tục, báo cáo đủ số lượng để đối phó với kiểm tra của cấp trên, không đi vào thực chất. Yếu nhất là khâu kiểm tra những “địa chỉ” dễ sai phạm, những chuyên đề liên quan đến đạo đức, lối sống, lãng phí, dấu hiệu tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị… ít được chú ý.

Tình trạng né tránh, nể nang, thiếu nghiêm túc trong kiểm điểm, rút bài học kinh nghiệm đang còn khá phổ biến.

Ở nhiều nơi kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm chỉ thực hiện khi có đơn tố cáo hoặc có phản ánh, khiếu nại, ít khi chủ động kiểm tra phòng ngừa. Nhiều nơi sai phạm không được phát hiện từ trong nội bộ bởi đấu tranh phê bình bị buông lỏng, thậm chí tê liệt. Nơi nào cấp ủy, người đứng đầu thiếu gương mẫu, cửa quyền, lợi ích nhóm, áp đặt ý chí cá nhân không vì cái chung thì chính tổ chức đó công tác KTGS bị buông lỏng nghiêm trọng nhất.

Việc Bộ Chính trị ban hành thông báo kết luận tiếp tục thực hiện công tác KTGS theo  NQTW5 khóa X cũng có nghĩa là đặt công tác KTGS vào vị trí quan trọng trong xây dựng Đảng. Thực hiện nghiêm túc là làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo toàn xã hội.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH