Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định, tỉnh luôn trân trọng những đóng góp của các tổ chức PCPNN, góp phần hỗ trợ thiết thực cho các đơn vị và cá nhân hưởng lợi. Thời gian qua, công tác PCPNN luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để các tổ chức PCPNN hoạt động, hỗ trợ các địa phương còn khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến giúp tỉnh những định hướng viện trợ của các tổ chức trong thời gian tới, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của các cơ quan Việt Nam trong việc hợp tác với các tổ chức PCPNN triển khai các hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh; khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ PCPNN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Thừa Thiên Huế và các địa phương của các nước trên thế giới.

Theo Giám đốc Sở Ngoại Vụ Trần Công Phú, hiện nay, số lượng các tổ chức PCPNN đã được cấp phép tại tỉnh Thừa Thiên Huế là 118 tổ chức, trong đó 18 tổ chức có văn phòng hoặc địa chỉ liên lạc tại tỉnh. Trong năm 2019, tỉnh đã tiếp nhận và triển khai 36 dự án viện trợ PCPNN với tổng vốn cam kết 3,75 triệu USD.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, vẫn còn tình trạng các đơn vị tại địa phương tiếp nhận chương trình/dự án chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định về việc phê duyệt, tiếp nhận khoản viện trợ; chưa có chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm về quản lý và sử dụng nguồn viện trợ PCPNN, đặc biệt trong hoạt động thực hiện thủ tục phê duyệt tiếp nhận và báo cáo kết quả tình hình hoạt động; năng lực của các cơ quan địa phương tham gia vận động và tiếp nhận dự án còn nhiều hạn chế.

Tin, ảnh: Thái Sơn