Xe chở keo tràm chất tràn thùng từ HTX Hương Phú đi ra tỉnh lộ 14D "án binh bất động" khi thấy PV ghi hình
Ghi nhận của PV tại Hợp tác xã (HTX) Hương Phú (thôn Đa Phú, xã Hương Phú), hàng ngày, nhiều phương tiện xe tải chở keo tràm xuất phát từ điểm trạm cân tải trọng ở đây rồi đi ra Tỉnh lộ 11D (tuyến tránh Khe Tre). Đây là tuyến đường chưa đưa vào khai thác, nhưng từ lâu đã bị các cơ sở kinh doanh keo tràm trên địa bàn “trưng dụng” làm đường vận chuyển khá tấp nập.
Cụ thể, mới đây tại HTX này xuất hiện 3 phương tiện chở keo tràm, trong đó có 2 phương tiện đang tiến hành bốc dỡ hàng trong điểm thu mua của HTX; một phương tiện còn lại mang BKS 75C-05051 đã chất đầy thùng hàng và rời điểm thu mua ra Tỉnh lộ 14D. Xe này dừng lại trên tỉnh lộ khá lâu, dùng vòi nước xịt trên thùng xe nhằm làm tươi gỗ và tăng trọng lượng hàng.
Quan sát của PV cho thấy, xe này chất đầy gỗ keo tràm vượt chiều cao của thùng xe từ 1-1,5m, có dấu hiệu quá tải. Tài xế trên xe đã sẵn sàng cho xe rời đi. Khi thấy PV ghi hình, nhiều công nhân đang làm việc bốc dỡ, cân xe trong HTX kéo ra tỉnh lộ chỉ trỏ, có ý xua đuổi PV và cho dừng các hoạt động ở đây.
Trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan cũng thường xuyên xuất hiện các xe chở keo tràm có dấu hiệu quá tải lưu thông. Những phương tiện này từ tỉnh lộ trên địa bàn Nam Đông đi lên cao tốc rồi vận chuyển keo tràm về các nhà máy trên địa bàn huyện Phú Lộc.
Theo Thanh tra Giao thông (TTGT) Sở GTVT, đối với các phương tiện chở keo tràm tại các trạm cân trên địa bàn huyện Nam Đông, nhiều ngày lực lượng TTGT đã tuần tra xử lý ở đây nhưng khi có sự xuất hiện của lực lượng thì các xe vừa chạy ra tỉnh lộ đều dừng đỗ hoặc “án binh bất động” trong điểm thu mua keo tràm. Lực lượng TTGT không thể “mật phục” như công an và chỉ kiểm tra được phương tiện khi lưu thông trên đường nên đối với xe chở keo tràm rất khó xử lý.
Trung tá Phan Gia Năm, Phó Trưởng Công an huyện Nam Đông thừa nhận tình trạng xe chở keo tràm có dấu hiệu quá tải hoạt động trên địa bàn.
Theo Trung tá Phan Gia Năm, hầu hết các phương tiện chở keo tràm xuất phát từ tỉnh lộ thuộc địa bàn huyện Nam Đông ra đường cao tốc La Sơn - Túy Loan chủ yếu hoạt động vào ban đêm khi vắng lực lượng chức năng nên rất khó xử lý.
Mặt khác, đây là vấn đề “đau đầu” tại địa phương khi tuyến cao tốc chưa khai thác, là tuyến đường không thuộc thẩm quyền tuần tra, xử lý của công an huyện.
“Công an huyện Nam Đông đã lập kế hoạch ra quân, xử lý xe keo tràm giao cho lực lượng CSGT đảm nhiệm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng chốt chặn tại các tỉnh lộ để xử lý các phương tiện này”, ông Năm cho biết thêm.
Theo UBND huyện Nam Đông, qua rà soát trên địa bàn huyện hiện có 3 cơ sở thu mua gỗ keo tràm là HTX Hương Phú, hộ kinh doanh Trương Khàn và cơ sở hộ kinh doanh Mai Hòa. Đối với HTX Hương Phú đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và vị trí kinh doanh tại thôn Đa Phú, xã Hương Phú.
HTX này được UBND huyện tạm thời bố trí 2.000 m2 đất thuộc phạm vi đang quy hoạch đề nghị thành lập Cụm công nghiệp Hương Phú theo Quyết định chủ trương thành lập Cụm công nghiệp của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, HTX này chưa hoàn thiện các thủ tục đấu nối giao thông với Tỉnh lộ 14D trong khi tuyến đường này chưa hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng.
Qua rà soát các cơ sở kinh doanh keo tràm mới đây, UBND huyện đã giao các ngành hướng dẫn HTX Hương Phú thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, không đỗ xe trên đường, hướng dẫn xe vào ra an toàn. Khi đường 14D đưa vào sử dụng sẽ hướng dẫn HTX đấu nối giao thông theo quy hoạch chung của Cụm công nghiệp Hương Phú.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhà máy, điểm tập kết, trung chuyển gỗ keo, tràm. Cụ thể tại Tỉnh lộ 14B có 2 nhà máy sản xuất dăm gỗ của Công ty TNHH TM & Xuất nhập Đinh Hương và Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế. Hai nhà máy sản xuất dăm gỗ tại tuyến đường vào cảng Chân Mây giao với Quốc lộ 1A (Km 882+850) và 1 nhà máy nằm ngay tại chân đèo Phú Gia (huyện Phú Lộc). Ngoài ra, còn có một số các điểm tập kết nhỏ nằm ngay trong các khu rừng tràm trên địa bàn 2 huyện Nam Đông và Phú Lộc.
Bài, ảnh: Hà Nguyên - Trường An