Hố nước chảy ra từ khe suối này là nguồn nước sinh hoạt chung cho 100 hộ dân thôn 6, thôn 5 xã Hương Hữu

Giữa đại ngàn khát nước sạch

Hiện trên địa bàn huyện Nam Đông có 5 công trình nước tự chảy từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, dung tích bể chứa khoảng 200 - 300m3. Các công trình đều được xây dựng từ năm 2004 đến nay đã xuống cấp, hư hỏng không phát huy tác dụng. Nguyên nhân các công trình nhanh chóng xuống cấp chủ yếu là do chính quyền địa phương và người dân thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng.
Theo chân ông Nguyễn Văn Thành, trưởng thôn 6 xã Hương Hữu qua mấy con dốc, chúng tôi đến một thung lũng, nơi có mạch nước ngầm chảy ra từ lòng đất, được người dân còn gọi là khe Cờm Rúc. Gọi là khe, nhưng ở đây chỉ có một mạch nước chảy ra từ lòng đất đọng lại thành vũng nước chừng 10m2, sâu chưa đến đầu gối. Tại đây, già trẻ, nam nữ thay nhau tắm giặt và gùi nước về nhà nấu ăn.
Ông Hồ Văn Vinh, một người dân trong thôn bảo: “Nhà tôi có lắp đặt hệ thống nước tự chảy nhưng đã từ lâu không có nước. Mọi sinh hoạt tắm giặt, nấu ăn đều dựa vào mạch nước ngầm này. Đã hơn năm nay, gia đình tôi phải lấy nước suối về để sử dụng. Từ nhà đến suối chừng vài cây số, đường đi lại rất khó khăn nên phải mất hơn cả giờ đồng hồ mới gùi được nước về nhà”. Không riêng gì ông Vinh, gần 100 hộ dân thôn 6 và thôn 5 đều sử dụng nguồn nước này từ tắm giặt đến nấu ăn, uống nhiều năm nay. Trưởng thôn 6 Nguyễn Văn Thành lo lắng: “Cả thôn chỉ có 6-7 giếng nước nhưng mùa này khô hạn, cái nào có nước thì nhiễm phèn không dùng được, người dân trong thôn dựa cả vào nguồn nước suối. Nước có hợp vệ sinh hay không người dân cũng không biết”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hữu - Trần Đình Việt Hùng cho biết, toàn xã có khoảng 600 hộ dân với 2.700 khẩu. Năm 2008, từ nguồn đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (chương trình 135), UBND xã được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tự chảy về tận nhà cho 100% hộ dân. Thế nhưng, sau nhiều năm sử dụng, hệ thống này đã hư hỏng, xuống cấp. Hệ thống nước này hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của người dân trong xã. Khó khăn nhất là người dân ở các thôn 5, thôn 6 khi ở đây thiếu giếng nước và đường ống hư hỏng. Ông Hùng cũng cho biết thêm, xã được thông báo đầu tư hệ thống nước tự chảy trong năm 2015, nhưng khó khăn nhất là vẫn chưa tìm ra nguồn nước cung cấp. Nếu dẫn nước về từ xã khác phải đầu tư thêm hơn 3km đường ống, kinh phí sẽ tăng cao. 
Cần đầu tư nguồn lực
Theo thống kê của UBND huyện, hiện toàn huyện tỉ lệ sử dụng nước máy hợp vệ sinh chiếm dưới 30% (một số nơi chiếm tỉ lệ cao như Hương Sơn trên 90%, thị trấn Khe Tre trên 80%), còn lại người dân sử dụng nước giếng, nước khe suối. Ở các xã như Thượng Long, Hương Hòa, Hương Phú, Thượng Nhật, Hương Lộc, Thượng Lộ, Thượng Quảng, Hương Giang cũng chung tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Theo khảo sát của UBND huyện, các xã này đều được lắp đặt nước tự chảy nhưng do quá lâu và không được bảo quản nên hệ thống cấp nước này đã xuống cấp. Một số nơi sử dụng nước giếng, tuy nhiên mùa khô không đáp ứng được nguồn nước sinh hoạt, hoặc nhiễm phèn. Hiện tại, giải pháp trước mắt được chính quyền và nhân dân các xã này triển khai là xây dựng giếng khoan, gia cố, sửa chữa lại hệ thống nước tự chảy, nâng cấp giếng đào và đầu tư bể lọc nước nhiễm phèn. Tuy nhiên, về lâu dài người dân vẫn mong muốn được Nhà nước đầu tư để có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định, nước sạch là tiêu chí quan trọng về môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Đông. Hiện, huyện đang huy động nguồn lực và khảo sát để lắp đặt hệ thống nước tự chảy phục vụ sinh hoạt người dân. Để giải quyết thực trạng thiếu nguồn nước sạch phục vụ nhân dân, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy nước Thượng Long. Nếu được xây dựng, nhà máy nước này sẽ đáp ứng nguồn nước cho 5 xã vùng trên. Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế cần đẩy nhanh việc hòa mạng hệ thống nước xã Thượng Lộ và mở rộng hệ thống dẫn nước về các điểm dân cư tập trung tại các xã Hương Lộc, Hương Hòa, Hương Phú.
Ông Trương Công Nam, Giám đốc Cty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế:
Khó nhất vẫn là nguồn vốn
Từ năm 2009, Cty đã đầu tư cấp nước sạch (uống được tại vòi) cho thị trấn Khe Tre và các xã Hương Lộc, Hương Phú, Hương Hòa, Hương Giang. Tại các địa phương này, hệ thống nước sạch phát triển tốt cho đến nay. Đặc biệt, năm 2014, Cty tổ chức cấp nước cho xã Hương Sơn và 100% hộ dân ở đây (325 hộ) được sử dụng nước máy hợp vệ sinh. Trong 6 tháng đầu năm, Cty đã giảm 50% giá nước cho hộ nghèo và 20% giá nước cho những hộ còn lại. Ban đầu, người dân vẫn băn khoăn nhưng về sau người dân hiểu nên đồng tình. Cty cũng đã nhận một người địa phương vào vận hành nhà máy nước ở Hương Sơn và sửa chữa khi có sự cố. Ở các xã khác như Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Hương Hữu... do hệ thống nước tự chảy không được bảo quản tốt đã xuống cấp. Người dân ở đây mong muốn được đầu tư kinh phí để xây dựng nhà máy cấp nước. Cty đã tiếp nhận và sẽ triển khai khi được bố trí vốn. Sắp tới, Cty sẽ xây dựng nhà máy nước ở Thượng Long với công suất 2.000m3 để cung cấp cho các xã này. Tuy nhiên đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Chúng tôi đang liên hệ với một số tổ chức nước ngoài để huy động nguồn vốn, khi nào có tiền, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng.

Thái Sơn (ghi)

 
Bài, ảnh: Thái Bình