Tôi đã đọc điều đó, từ facebooker Phan Thiên Định.

Dưới mấy dòng status ngắn mà trĩu nặng của anh là đường link về một lễ khởi công hoành tráng một nhà máy nhiệt điện BOT ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), và khó thở là cảm giác đầu tiên mà tôi có.        

Vấp phải sự từ chối, một lễ khởi công như thế này đã không thể tổ chức tại Phong Điền – cực bắc của tỉnh nằm kề cận với Hải Lăng và trước khi là Hải Lăng. Thừa Thiên Huế đã chọn môi trường lành sạch, thay vì những con số mang đến sự thay đổi nhanh chóng về nguồn vốn đầu tư. Ai cũng mong muốn phát triển, nhưng lựa chọn giữa tức thời và bền vững, đương nhiên không chỉ là một thái độ mà còn là sự cẩn trọng.

Tôi nhớ cách mà bạn tôi chia sẻ lo âu về tương lai của những triền cát trắng, của những hồ tôm, ruộng lúa, vườn rau… của quê nhà. Bạn nói nhiều đêm không thể ngủ, cho dù đã được tham quan, mục sở thị nhà máy nhiệt điện có công nghệ hiện đại nhất. Ai có thể an lòng trước những cảnh báo vẫn tiếp tục được đưa ra trên thế giới về tác động từ nhiệt điện than đến sức khỏe con người, bắt đầu từ các chất nguy hại như thủy ngân, selen, asen, chì, kim loại nặng hay có thể là những cơn mưa axit tác động tới nền nông ngư nghiệp và những ô nhiễm khác đối với không khí, nước và đất. Nghĩ về cuộc sống của con cua, con tôm, con cá ở biển, ở đầm phá khi để tiện cho việc đáp ứng một lượng nước lớn cho hệ thống làm mát, cũng như việc nhập khẩu than, nhà máy nhiệt điện đã chọn chọn gần biển. Theo một bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 60 triệu tấn cá lớn mỗi năm đã “qua đời” bởi nhà máy nhiệt điện than Bayshore tại bang Ohio và nhà máy Huntley (Mỹ) làm kẹt 96 triệu tấn cá mỗi năm trong hệ thống làm mát.

0,17 USD là chi phí cho y tế mà các tổ chức quốc tế đưa ra trên mỗi kWh nhiệt điện than – cũng theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tôi nghĩ đến một con số cực lớn về chi phí này trước công suất 7.200 tỷ Kwh/năm của nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I khi đi vào hoạt động. Nhưng vấn đề còn ở chỗ những tổn thương không dễ gì khỏa lấp đối với thiên nhiên, môi trường và con người.

Việt Nam cần sớm dừng đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than mới và ưu tiên đầu tư vào tiết kiệm năng lượng, tạo khung pháp lý minh bạch và ổn định cho năng lượng tái tạo phát triển là khuyến nghị của các chuyên gia, được đưa ra tại lễ công bố báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 do Bộ Công thương công bố chiều 5/11/2019. “Thà xóa quy hoạch chứ nhất quyết không làm nhiệt điện than” là tít của một bài báo lớn của Tuổi Trẻ sáng 26/11/2019 và Long An là địa phương đã kiên trì đề xuất Chính phủ điều chỉnh 2 dự án nhà máy nhiệt điện từ sử dụng than sang khí hóa lỏng. Những thông tin này đồng thời cũng cho thấy, áp lực không nhỏ trong phát triển và quy hoạch phát triển nhiệt điện ở nước ta trong thời gian tới, khi cả nước hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW và dự kiến, đến năm 2030 sẽ tăng lên 65 nhà máy (con số từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam).

Ở tầm vĩ mô, chắc chắn là có nhiều việc rất khó để giải quyết bài toán cân bằng trong sự phát triển và những thúc đẩy cần có để giải quyết các nhu cầu để phát triển. Và “khi mỗi địa phương là một nền kinh tế”, tôi – cũng như rất nhiều người khác, cũng mong Huế được bình an.

MINH HÀ