Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã có chủ trương nhập khẩu thịt lợn từ Indonexia, Mỹ để bổ sung nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường trước mắt, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề - khi nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao. Nhưng giải pháp căn cơ và bền vững vẫn là phục hồi ngành chăn nuôi trong nước.

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và chưa có vacxin đặc trị, vấn đề đầu tiên đặt ra là phải kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại. Thực tế cho thấy, tháng 3/2019, dịch bắt đầu xuất hiện ở huyện Phong Điền, sau 30 ngày khống chế, không xuất hiện ổ dịch mới, địa phương công bố hết dịch nhưng ít ngày sau dịch lại tái phát. Tương tự, các huyện Phú Vang, Phú Lộc cũng có tình trạng tái phát dịch sau 30 ngày… Sau đó, dịch bùng phát trên địa bàn 9/9 huyện, thị, thành phố Huế. Đến thời điểm này, toàn tỉnh tiêu hủy 72 nghìn con lợn do dịch tả lợn châu Phi, với trọng lượng 4.360 tấn, ước thiệt hại 100 tỷ đồng (Báo Thừa Thiên Huế). Điều này cho thấy, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn rình rập, người chăn nuôi không được chủ quan.

Để kiểm soát dịch bệnh, trước tiên và quan trọng nhất là ý thức phòng dịch của người chăn nuôi. Việc phòng dịch bắt đầu từ việc đảm bảo môi trường chăn nuôi, nguồn giống và thức ăn an toàn. Hiện nay, ngoài một số trang trại được đầu tư khá bài bản thì tình trạng chăn nuôi theo quy mô nông hộ khó kiểm soát. Người chăn nuôi tận dụng mặt bằng sẵn có, không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải. Ngay cả thức ăn chăn nuôi, nhiều hộ vẫn tận dụng thức ăn thừa từ nhiều nguồn, kể cả khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, hàng quán nhỏ lẻ. Đây là nguồn có nguy cơ gây dịch cao, nếu không được nấu chín trước khi cho heo ăn.

Tuy nhiên, với sức hấp dẫn từ chăn nuôi do giá thịt lợn tăng cao, không ít hộ bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng để tái đàn khi chưa đủ các điều kiện an toàn. Chính vì vậy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn phải sát cánh cùng người dân trong việc kiểm tra, hỗ trợ người dân chuẩn bị các điều kiện chăn nuôi, con giống lẫn kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, cần kiên quyết ngăn chặn, xử lý các nông hộ tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn. Điều này không chỉ giúp người dân tránh được rủi ro, mà còn là giải pháp bảo vệ đàn lợn của địa phương hiệu quả. Đồng thời, cần vận động, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, như mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, từ cung ứng con giống an toàn đến hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

Một khó khăn lớn trong việc khôi phục, tái đàn hiện nay là người chăn nuôi bị thiệt hại quá lớn do dịch bệnh, thiếu nguồn đầu tư. Con số 66 tỷ đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho người dân là một nguồn lực không nhỏ, có thể tạo đà cho ngành chăn nuôi phát triển. Nhưng đáng tiếc, việc giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ này lại quá chậm trễ. Nguyên nhân được cho là do việc thống kê và cập nhật số liệu từ các địa phương, ban ngành chậm trễ. Để gỡ nút thắt này, ngoài sự phối hợp của người chăn nuôi, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ cơ sở phải gần dân, sâu sát, đồng hành với người dân, xem đó là trách nhiệm với người dân và sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Hoàng Minh