PGS.TS Nguyễn Đức Hưng

Xung quanh vấn đề này, ngay sau cuộc họp Hội đồng tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010, xét tuyển đợt 3 (dành cho NV3) ở Đại học Huế, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Đức Hưng, Phó Giám đốc Đại học Huế, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh đại học, cao đẳng Đại học Huế năm 2010.

*Thưa ông, tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu diễn ra phổ biến ở nhiều trường đại học trên cả nước, chắc hẳn Đại học Huế cũng không nằm ngoài tình trạng chung này?

Chiều 1/10, Hội đồng Tuyển sinh Đại học Huế (ĐHH) vừa họp để xét tuyển NV3. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn bộ ĐHH đạt được 93% so với chỉ tiêu. Như vậy, so với các đại học đa ngành của cả nước (với 99 chuyên ngành đào tạo đại học, ĐHH là đại học có nhiều chuyên ngành nhất so với cả nước) chắc chắn đây là một tỉ lệ cao. (Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học ĐHH năm nay là 8.890). Đương nhiên có một sự trở ngại so với những năm trước, tức là một số ngành đào tạo số lượng không đủ so với chỉ tiêu và phần lớn những ngành này nằm ở Trường đại học Nông Lâm. Nếu tính riêng Trường đại học Nông Lâm thì chỉ tiêu tuyển sinh cho bậc đại học chỉ đạt 63,5%, bậc cao đẳng thì cao hơn năm ngoái, đạt 83,7% (năm ngoái 50%). Như vậy, so với chỉ tiêu thì Trường đại học Nông Lâm là khó tuyển hơn cả, còn lại các trường khác như đại học Kinh tế, đại học Y Dược, Khoa Du lịch, Khoa Giáo dục thể chất, Khoa Luật đều vượt lên chỉ tiêu từ 1-14%. Đơn vị cao nhất ĐHH đạt 113,4% là ngành Luật, Trường đại học Y Dược trên 102%... Nhìn chung, nếu đạt trên 92% là tỷ lệ cao của năm nay.
 
*Ông có thể cho biết cụ thể về những ngành khó tuyển năm nay?
 
Chủ yếu là những ngành tuyển riêng khối A của Trường đại học Nông Lâm, ví dụ như ngành công nghiệp và công trình nông thôn; ngành cơ khí bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; chế biến lâm sản; khoa học đất; còn nếu tuyển hai khối thì có khó khăn nhưng đỡ hơn. Một số trường khác cũng có một số ngành khó tuyển, ví dụ như ngành địa chất, địa lý, ngành Hán-Nôm của Trường đại học Khoa học. Trường đại học Ngoại ngữ ngành tiếng Nga là ngành khó khăn vì gần như là không có sinh viên nhưng tinh thần của ĐHH là vẫn tiếp tục đào tạo.
 
*Được biết, chỉ có một em trúng tuyển vào ngành tiếng Nga trên tổng số 20 chỉ tiêu, với con số quá ít ỏi này liệu vẫn có thể duy trì đào tạo?
 
ĐHH vẫn đào tạo chương trình riêng tiếng Nga nhưng khi vào chắc chắn các em phải chọn học phần của tiếng Anh, tương lai ĐHH sẽ tiến tới đào tạo song ngữ Nga-Anh giống như một thời kỳ trước đây đã làm. Nhưng chắc chắn em học tiếng Nga này trong khoảng thời gian nhất định sẽ được đi Nga vì bộ hằng năm có chương trình này, tuy nhiên có lẽ thông tin đó các em không được biết nhiều lắm nên không say sưa với ngành tiếng Nga.
 

Tân sinh viên trúng tuyển NV1 của Đại học Huế đến làm thủ tục nhập học tại Giảng đường I, Trường đại học Sư phạm Huế.

*Đối với những ngành dù đã tuyển NV2, NV3 mà vẫn nằm trong tình trạng thiếu học sinh trầm trọng thì Đại học Huế có “đóng cửa”?
 
Hiện có một số ngành có thể nói là số lượng tuyển sinh ít. Về phía ĐHH chưa ai tuyên bố là đóng cửa vì đang đào tạo theo chương trình tín chỉ, cho nên việc đăng ký vào ngành đầu tiên không có ý nghĩa lớn lắm, hay nói cách khác là không quan trọng lắm khi cơ chế vận hành đào tạo theo học chế tín chỉ phát triển, vì các em có thể đăng ký học ngành A nhưng vào học, các em có thể học các tín chỉ các ngành khác và các em có thể được cấp bằng theo ngành đó khi số tín chỉ tích lũy đủ. Vì thế lúc này là lúc chúng tôi có thể khẳng định lợi thế của đào tạo tín chỉ được khẳng định rõ, nếu như các cơ sở đào tạo biết tận dụng và phát huy tốt thì chính người học được quyền lựa chọn và điều chỉnh ngành học trong quá trình học. Tinh thần là năm này, ĐHH sẽ cố gắng đẩy mạnh đào tạo theo học chế tín chỉ, quản lý đào tạo theo tín chỉ và phổ biến rộng rãi để sinh viên có thể phát huy lợi thế này. Còn nếu đào tạo theo niên chế thì không làm được vì niên chế có nghĩa là tuyển vào ngành nào anh phải học đúng ngành đó và như vậy, vừa khó cho người học vừa khó cho cơ sở đào tạo. Đó chính là cái mà có thể trong lúc khó khăn về đầu vào thì có thể áp dụng.
 
*Với con số 93%, có thể nói ĐHH không rơi vào tình trạng thiếu học sinh trầm trọng như nhiều các cơ sở đào tạo trên cả nước?
 
Thực ra, nguồn tuyển không phải là không thiếu vì nếu như không thiếu, chắc chắn phải tuyển vượt lên nữa. Nếu còn nguồn, các trường các ngành phải tuyển nhiều hơn nữa để đảm bảo 100%, thậm chí là theo yêu cầu của Bộ, có thể cho phép tuyển mang tính chất dự phòng lên đến 120% để trong quá trình học, các em có thể nghỉ hoặc vì lý do gì đó không nhập học. Thế nhưng trên thực tế, nguồn năm nay không còn nhiều bởi nó liên quan đến điểm thi. Điểm thi thì với điểm sàn của Bộ như vậy, rõ ràng nguồn không còn nhiều, chứ nếu còn, các em sẽ nộp đơn nhiều hơn và phải xét chọn kỹ hơn. Như thế, chỉ tiêu phải đạt 100 hoặc trên 100% chứ không phải 93%. Cái này như tôi nói là tình trạng chung. Chắc chắn là các cơ sở đào tạo đại học cả đại học công, nhất là các trường đại học dân lập năm nay rất khó khăn để tuyển đúng chỉ tiêu vì nguồn tuyển không còn do phần lớn các em dưới điểm sàn.
 
*Theo ông, để tăng nguồn tuyển sinh đầu vào, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn tuyển trầm trọng như mùa tuyển sinh năm nay, cần có giải pháp gì?
 
Để tăng nguồn tuyển sinh đầu vào thì thực chất mà nói, đầu vào tham dự kỳ thi đại học không phải là ít. Vừa rồi, tỷ lệ chung của ĐHH hơn 62.000 thí sinh dự thi thì nếu vào ĐHH chỉ tiêu tuyển hơn 9.000 thôi. Tỷ lệ đó không phải là ít, vấn đề là chất lượng đầu vào thấp mà khi chất lượng kỳ thi thấp, điểm sàn cố định rồi thì số thí sinh đạt được điểm sàn để vào đại học ít đi, cho nên mình tuyển không được. Có thể nói đây là cả một vấn đề, vấn đề là ở chỗ kỳ thi 3 chung cần phải có phân tích, tính toán.
 
Tôi cho rằng, thi chung đề để có mặt bằng kiến thức chung là cần thiết, nhưng việc chung kết quả để xét tuyển, nhất là định điểm sàn cần phải có tính toán phân tích vì điều này liên quan đến vùng, miền... Thí sinh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chắc chắn không vào miền Trung để học mặc dù họ có thể có điểm trên sàn. Vì thế, điểm sàn cũng như điểm đầu vào phải phụ thuộc vào nhóm ngành, vị trí, vị thế của từng trường, tức là tính vùng miền phải thể hiện rõ, rồi giữa công lập với dân lập phải khác nhau chứ một điểm sàn chung như vậy chắc chắn công lập tuyển được chứ dân lập không dễ để tuyển.
 
*Xin cảm ơn ông.
 
                Ngọc Hà (thực hiện)