Tái đàn bằng nguồn lợn sạch, chăn nuôi an toàn sinh học đang được ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi 

Tái đàn bằng nguồn lợn sạch

Theo Sở NN & PTNT, về hướng phát triển đàn heo (tái đàn), UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP và quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn sau dịch.

Cụ thể, sau khi công bố hết dịch, các cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn so với công suất thiết kế tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Ngành nông nghiệp hướng dẫn, khuyến khích và chỉ đạo các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó lưu ý vị trí chăn nuôi phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương; chuồng trại chăn nuôi phải cách biệt với nơi ở; đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng; lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch; trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, thức ăn sử dụng cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp. Không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn đã bị dịch cho đàn lợn mới. Phải vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống thường xuyên. Thực hiện tiêm phòng cho đàn lợn theo đúng quy định.

Trong trường hợp phát hiện có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch. Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải. Nước thải sau khi xử lý, thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn.

Ngành nông nghiệp cũng tiến hành rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn trong vùng đang không có dịch bệnh DTLCP bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học thì có thể tái đàn; duy trì đảm bảo thật tốt các giải pháp trong đó chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh.

Giám sát dịch bệnh tận cơ sở

Vệ sinh chuồng trại thường xuyên và tiêm phòng đồng bộ sẽ giúp tránh tái phát dịch bệnh

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở NN & PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống, phối hợp chính quyền địa phương, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã triển khai công tác chỉ đạo thực hiện tiêm phòng đồng bộ, giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, thông tin, báo cáo nhanh khi có dịch bệnh xảy ra.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tiêm phòng đến tận xã, thôn, hộ chăn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng. Chỉ đạo các địa phương vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng chống bệnh DTLCP; tập trung tăng cường thực hiện tại các ổ dịch, hố chôn gia súc; các tổ tiêu độc với các dụng cụ máy bơm, bình bơm, cấp 37.029 lít hóa chất để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ, đột xuất tại các nơi nguy cơ cao.

Đến nay, ngành nông nghiệp đã thực hiện tiêu độc hơn 4 triệu m2; củng cố, kiện toàn 179 tổ tiêu độc với hơn 320 máy bơm, bình bơm các loại để triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; triển khai tuyên truyền xã hội hóa việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng sâu rộng đến tận người dân nhằm bảo vệ đàn gia súc gia cầm của mình trước nguy cơ dịch bệnh.

Duy trì các lực lượng phối hợp ứng trực 24/24 giờ tại các Chốt Kiểm dịch động vật để kiểm tra, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào hoặc đi ngang qua địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền và ký cam kết cho 60 hộ kinh doanh vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống DTLCP, nghiêm cấm kinh doanh vận chuyển, giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, lợn có dấu hiệu dịch bệnh và bị xử lý theo pháp luật khi phát hiện vi phạm.

Chưa phát hiện heo dịch tại lò mổ

Cán bộ chăn nuôi và thú y tiêu độc khử trùng lợn trước đi đưa vào mổ tại chợ đầu mối Phú Hậu

Tại các lò mổ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y bố trí cán bộ kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ theo đúng quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT: niêm yết giờ nhập và giờ giết mổ gia súc, xử lý cương quyết các trường hợp vi phạm.

Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào đưa heo dịch vào lò mổ để giết mổ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp chủ vận chuyển tự ý tháo dỡ niêm phong khi không có cán bộ thú y; tiến hành chôn hủy 58 con lợn không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, chết do vận chuyển.

Theo Sở NN & PTNT, hiện bệnh DTLCP đang xảy ra tại 703 thôn, 122 xã trên địa bàn tỉnh. Trong tuần qua, có thêm 2 đơn vị cấp xã có bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới là phường An Đông (TP. Huế) và Phong Thu (Phong Điền). Hiện đã có có 29 xã, phường có bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới và có 25 xã có bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.

Bài, ảnh: Thái Sơn