Một phần tư người trẻ tuổi hiện nay nghiện điện thoại thông minh. Ảnh: TTXVN

Chứng nghiện điện thoại thông minh này - bao gồm cả thái độ lo lắng khi không có điện thoại bên mình hoặc bỏ bê các hoạt động khác để dành thời gian cho điện thoại - có tác hại đến sức khỏe tâm thần, nghiên cứu này tiết lộ.

Những người sử dụng điện thoại thông minh “có vấn đề” bị gia tăng nguy cơ mắc phải các bệnh trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Họ cũng cho biết mình có giấc ngủ kém. Nhiều người dùng “có vấn đề” nói rằng họ dành phần lớn thời gian cho các trang mạng xã hội.

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp và đánh giá 41 nghiên cứu được công bố từ năm 2011 đến nay, với tổng cộng 41.871 thanh thiếu niên và thanh niên từ châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Nhóm phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 17 đến 19 bị nghiện điện thoại thông minh cao nhất.

“Nghiên cứu của chúng tôi đánh giá các tác động không chỉ của việc sử dụng nhiều, mà cả việc sử dụng điện thoại thông minh một cách rối loạn, và bằng cách xem xét một hành vi ‘nghiện’ đối với điện thoại thông minh, chúng tôi đã thiết lập mối tương quan giữa loại hành vi rối loạn chức năng này và kết quả sức khỏe tâm thần kém hơn”, Tiến sĩ Ben Carter từ Viện Tâm thần học, Tâm lý học và Khoa học thần kinh tại Đại học King London - đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Các tác giả nghiên cứu cho biết cần nâng cao nhận thức cộng đồng về mức độ phổ biến của việc sử dụng điện thoại thông minh có vấn đề và sức khỏe tâm thần. “Điện thoại thông minh đang hiện hữu khắp nơi và chúng ta cần phải hiểu biết về mức độ phổ biến của việc sử dụng điện thoại thông minh có vấn đề”, tác giả Tiến sĩ Nicola Kalk từ King College London cho biết. “Chúng tôi không biết liệu chính điện thoại thông minh có thể gây nghiện hay các ứng dụng mà mọi người sử dụng”.

Các tác giả cũng nói rằng cần nghiên cứu thêm về chủ đề này để xác định tác động tiềm tàng đối với sức khỏe tâm thần của các thế hệ tương lai.

Anh Tuấn (Lược dịch từ Euronews)