Cảnh tái diễn thường ngày ở gác chắn Điện Biên Phủ

Những lúc thưa xe cộ thì còn khả dĩ, nhưng gặp khi cao điểm thì ùn ứ, xung đột xảy ra là tất yếu sau khi tàu qua và gác chắn được mở. Một số điểm giao cắt như cuối dốc Điện Biên Phủ thỉnh thoảng vẫn thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng vào giờ cao điểm. Những lúc như vậy thì trật tự giao thông khá ổn. Nhưng hễ vắng bóng CSGT là lập tức nhiều người lại bất chấp, lòn lách, chen lấn, chiếm làn… cứ gọi là lung tung xèng cả lên.

CSGT sẽ không bao giờ đủ quân số để điều tiết giao thông ở tất cả giao lộ vào giờ cao điểm, và như vậy có nghĩa là phải chấp nhận tình trạng “lung tung xèng” do những người tham gia giao thông thiếu ý thức gây nên?

Hy vọng với Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh, Huế sẽ không để tình trạng này tồn tại kéo dài.

Phải ghi lại hình ảnh, chỗ chưa có điều kiện bố trí camera thì vận động, sử dụng hình ảnh của người dân cung cấp; truy xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời cung cấp để báo chí loan tin nhằm lan tỏa, tạo hiệu ứng trong xã hội.

Đường sắt cắt ngang đô thị Huế là do lịch sử để lại và chắc chắn vẫn sẽ còn là câu chuyện lâu dài. Trong lúc đó, mật độ giao thông đường bộ đang ngày càng nhộn nhịp, mật độ lưu thông của đường sắt cũng trong xu thế ngày mỗi tăng trưởng. Nếu không giám sát và xử lý ráo riết các hành vi vi phạm tại các điểm giao cắt thì nạn ùn ứ sẽ là tiền đề của tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng như gây ra nhiều phiền lụy, lãng phí khác cho xã hội.

HÀN YÊN