Thông tin từ ông Phan Thiên Định cho biết, giá trị của 30 làng nghề ở Thừa Thiên Huế mỗi năm đưa lại giá trị khoảng hơn 370 tỷ đồng. Làng nghề đã giải quyết một lượng đáng kể lao động ở nông thôn. Phát triển mạnh làng nghề, chẳng những nâng cao miếng bánh giá trị mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân hơn nữa, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn. Đánh giá chung nhất là làng nghề ở Thừa Thiên Huế phong phú nhưng qui mô còn nhỏ, chưa có khả năng mở rộng kết nối với thị trường. Vấn đề maketing cũng là một hạn chế.
Theo ông Phan Thiên Định, trong thời buổi công nghệ hiện nay, đưa thông tin đến với thị trường là không khó. Tuy nhiên, hạn chế ở đây là thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ - một lực lượng nhạy bén với công nghệ thông tin. Nhân lực trẻ ở làng nghề cũng di cư đi các nơi khác để tìm kiếm công ăn việc làm nên làng nghề thiếu hụt lớp người kế cận. Sáng tạo ra những mẫu mã mới cũng là một điểm yếu. Doanh nghiệp là một khâu quan trọng kết nối thị trường nhưng ở tỉnh ta chưa có doanh nghiệp mạnh ở lĩnh vực này…Cuối cùng là vai trò của chính quyền trong việc tạo điều kiện và dẫn dắt phát triển làng nghề cũng có nhiều hạn chế, đó là: thiếu nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng để kết nối; nguồn vốn đầu tư cho nghệ nhân chưa tập trung; các sở, ban ngành liên quan chưa tận tâm tận lực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc này (ông Phan Thiên Định chỉ đánh giá cao vai trò của Sở Công thương).
Thế thì làm thế nào cho làng nghề phát triển ?
Ông Phan Thiên Định đã chỉ ra vai trò của từng mắt xích: chính quyền – doanh nghiệp – làng nghề. Chính quyền phải làm tốt những nhiệm vụ chủ yếu: đầu tư hạ tầng để tạo điều kiện phát triển làng nghề. Hạ tầng kết nối tốt còn tạo điều kiện để phát triển du lịch làng nghề; tạo điều kiện xúc tiến quảng bá, địa điểm trưng bày sản phẩm; hỗ trợ đào tạo năng lực quản lý và kinh doanh; tìm kiếm doanh nghiệp để dẫn dắt phát triển thị trường. Đối với doanh nghiệp: doanh nghiệp chính là người nhạy bám với thị trường nhất, ngoài thị trường trong nước cần nâng cao khả năng kết nối với thị trường nước ngoài, tìm kiếm đối tác và thậm chí là sáng tạo mẫu mã để đặt hàng cho các làng nghề. Đối với làng nghề phải nâng cao năng lực tự thân trong sáng tạo, quảng bá. Và đặc biệt là đào tạo đội ngũ kế cận. Điều này, chính quyền sẽ cùng chung tay tạo điều kiện.
Hè vừa rồi tôi có dịp đi Hội An, dành nguyên một buổi đến khu du lịch Làng lụa Thanh Hà. Ở đây có khu nghỉ dưỡng, khu trưng bày sản phầm và trình diễn. Chỉ là một sự trình diễn các công đoạn trong quá trình làm lụa (nó giống như sự trình diễn trong các Festival làng nghề truyền thống ở Huế) nhưng nó đẹp như một bức tranh quê. Muốn vô đây xem mỗi người phải tốn chi phí vào cổng 50 ngàn đồng. Đoàn gồm 8 người hết 400 ngàn đồng. Ai cũng hài lòng và cho rằng, đó là một mức phí quá rẻ cho cái sự xem. Làng nghề mà kết nối được với du lịch sẽ tìm kiếm được một cơ hội phát triển tuyệt vời. Huế là một vùng đất du lịch. Vì vậy, cơ hội cho phát triển làng nghề còn rất nhiều.
LÊ PHƯƠNG