Dây chuyền sản xuất gạch không nung và trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng DQ

Chuyển động ở cơ sở

Gần đây, Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng DQ đóng ở xã A Ngo (A Lưới) mở rộng đầu tư mới dây chuyền sản xuất gạch không nung, với tổng mức 1,7 tỷ đồng. Sản lượng gạch từ dây chuyền này đạt hơn 3 triệu viên mỗi năm, đảm bảo cung cấp cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn toàn huyện và các địa phương lân cận.

Năm 2019, công ty mạnh dạn đầu tư thêm trạm trộn bê tông thương phẩm và 4 chiếc xe trộn, phun bê tông hiện đại, với tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng, tạo bước ngoặt mới trong phát triển lĩnh vực công nghiệp xây dựng trên địa bàn huyện miền núi A Lưới.

Ông Nguyễn Văn La, Giám đốc Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng DQ cho hay, được ưu đãi hỗ trợ tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm 50%, nên công ty mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài gạch không nung, đơn vị còn sản xuất gạch phục chế di tích theo đơn đặt hàng, cung cấp bê tông tươi phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn toàn huyện và các địa phương lân cận ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam. Tổng doanh thu hằng năm của đơn vị đạt trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Chủ tịch UBND xã A Ngo, ông Nguyễn Đức phấn khởi, địa phương không chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước mà tăng cường huy động từ doanh nghiệp, các HTX, ưu tiên đầu tư hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, phát triển các ngành nghề, lĩnh vực TTCN. Hiện tại, địa phương đã thu hút được 8 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này đầu tư trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Cùng với chính sách kích cầu của huyện, các địa phương trên địa bàn A Lưới chú trọng phát triển lĩnh vực TTCN và du nhập các ngành nghề mới. Anh Ngô Văn Tuất, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng ở thôn Quảng Lộc, xã Sơn Thủy là cơ sở được hưởng lợi từ chương trình khuyến khích phát triển TTCN của địa phương này.

“Được chương trình khuyến công của địa phương hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động và tạo điều kiện về vốn vay, mặt bằng, tôi đã tiến hành đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc và nhà xưởng... Hiện tại, doanh thu của cơ sở mỗi năm đạt gần 300 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, gia đình thu lãi gần 150 triệu đồng mỗi năm” – anh Tuất phấn khởi bộc bạch.

Nhờ có chính sách phù hợp, nhiều gia đình ở Sơn Thủy đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển TTCN, thương mại và dịch vụ. Đến nay, toàn xã có 242 cơ sở thuộc lĩnh vực này.

Phấn đấu nâng tỷ trọng CN-TTCN

Để đạt được mức tăng trưởng khu vực kinh tế CN – TTCN như vừa qua, huyện A Lưới đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm CN-TTCN A Co và hỗ trợ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển CN – TTCN trên địa bàn. Hiện tại, đã có 2 doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại cụm CN-TTCN A Co. Công ty TNHH MTV Xây dựng, sản xuất, thương mại và Dịch vụ Phúc Đạt đang hoạt động ổn định, với hơn 40 lao động làm việc thường xuyên và hàng trăm lao động làm việc thời vụ.

Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện A Lưới, ông Phan Duy Khanh thông tin, để phát triển và giới thiệu các sản phẩm CN-TTCN của A Lưới ra thị trường, UBND huyện đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất TTCN tham gia hội chợ sản phẩm công nghiệp nông thôn và làng nghề Huế năm 2019. Đồng thời, có chính sách khuyến khích duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống.

Huyện cũng đang triển khai kế hoạch khuyến công Đề án “Công nghệ chế biến rượu sim thủ công” trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở tham gia hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố năm 2019 tại TP. Hồ Chí Minh; đăng ký 4 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh gồm vải thổ cẩm, gạch phục chế di tích, gạo Ra Dư và nếp than A Lưới.

Nhờ đó, năm 2019, đóng góp vào mức tăng trưởng giá trị sản xuất của A Lưới, lĩnh vực CN – TTCN - xây dựng tăng đến 21,4% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 30,7% trong GDP). Tổng giá trị ước thực hiện trên 446 tỷ đồng. Huyện cũng đã xác định phát triển lĩnh vực CN- TTCN, nâng cao hơn nữa tỷ trọng lĩnh vực này nhằm tạo hướng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, địa phương sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN trên tuyến đường Hồ Chí Minh và đa dạng hóa các loại hình công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó, tập trung hoàn thành dự án đầu tư hạ tầng tại cụm CN-TTCN A Co, tiếp tục xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp. Có cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến lĩnh vực CN-TTCN, phấn đấu nâng mức tăng trưởng ở lĩnh vực này trên 22% trong năm 2020.

Bài, ảnh: Bá Trí