Thí điểm sản xuất phân hữu cơ từ bèo tây

Cuối tuần, nhận cuộc điện thọai từ anh Trần Văn Đức, phường Thủy Châu báo chú chó của gia đình có một số biểu hiện bệnh và đang đưa tới phòng khám thú y, cán bộ phòng khám thuộc Trung tâm DVNN TX. Hương Thủy liền quay về Trung tâm để tiếp nhận. Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng của chú chó đã được cải thiện.

Ông Trần Văn Đức chia sẻ, trước đây thú nuôi khi có bệnh thường phải chịu chết chứ ít khi có cơ hội chữa trị và sống sót. Đi vào hoạt động hai tháng nay, phòng khám đã cứu sống rất nhiều thú nuôi. Ngoài dịch vụ phòng khám thú y, hỗ trợ phát triển nông nghiệp cũng được Trung tâm triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực.

Năm 2018, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, Trung tâm đã hỗ trợ phát triển 5 mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP. Hiện các trang trại này đang phát triển khá hiệu quả mang lại doanh thu từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng. Thông qua việc hỗ trợ mô hình chăn nuôi VietGAP, mới đây Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 2 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn sạch từ sản xuất đến bàn ăn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đưa thực phẩm sạch đến gần hơn với người dân.

Ông Võ Văn Tú, phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy chia sẻ: "Trước đây, mình chỉ nghĩ chăn nuôi và bán ra thị trường không quan tâm đến việc công bố các chất lượng liên quan, sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn. Từ đầu năm, Trung tâm đã bắt tay hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, mình mới bắt đầu định hình và định hướng sản xuất, kinh doanh theo hướng sạch, an toàn".

Thay vì bán phần lớn gà nuôi cho tiểu thương, anh Tú đầu tư hệ thống 4 cửa hàng bán gà tươi và gà nướng. Chuỗi cửa hàng này đều lấy hàng trực tiếp từ cơ sở chăn nuôi của gia đình, vận chuyển đến lò mổ và được cấp chứng nhận giết mổ an toàn và đưa về hệ thống cửa hàng đóng gói hay chế biến, đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, hệ thống cửa hàng gà tươi, gà nướng của anh Tú được cấp chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Theo ông Nguyễn Khai, Giám đốc Trung tâm DVNN TX. Hương Thủy, Trung tâm đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, trên cơ sở sáp nhập các trạm thú y, bảo vệ thực vật và khuyến nông. Theo lộ trình, đến năm 2020, Trung tâm sẽ phải tự chủ kinh phí. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ chuyên môn buộc phải thực hiện, thì dịch vụ của Trung tâm cũng chỉ loanh quanh với việc cung ứng các dịch vụ vật tư nông nghiệp; kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm... nhưng hoạt động cầm chừng, nên doanh thu thấp.

Việc tự chủ sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng cao thu nhập cho người lao động và đặc biệt là giúp người dân tiếp cận được dịch vụ nông nghiệp một cách tốt nhất. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi Trung tâm phải có những đổi mới trong cách làm. Ngoài xây dựng phòng khám thú y, xây dựng cửa hàng thực phẩm an toàn, Trung tâm cũng đang nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ từ bèo tây và phế phụ phẩm nông nghiệp cung cấp nguồn phân hữu cơ phục vụ phát triển nông nghiệp theo định hướng của tỉnh.

Ông Khai trải lòng, để có thể tự chủ tài chính, ngoài sự nỗ lực của Trung tâm, lãnh đạo địa phương cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư vốn ban đầu cho Trung tâm hoạt động, có như thế hoạt động của Trung tâm mới được duy trì và bền vững sau khi tự chủ đóng góp nhiều hơn vào kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Anh