Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội 13 của Đảng chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội. Ảnh: TTXVN
Bí mật chỉ trong mức độ tương đối
Thực tế hiện nay, quy hoạch cán bộ của Đảng chưa được công khai mà chỉ được lưu hành trong nội bộ. Vấn đề này cần đối chiếu với các quy định của pháp luật. Điều 7, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định phạm vi bí mật là: “Chiến lược, kế hoạch, đề án về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội”. Điều 6, Luật Tiếp cận thông tin quy định những “Thông tin không được tiếp cận” nêu rõ: “Những thông tin có nội dung quan trọng lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia…”. Điều 17 luật này cũng quy định những “Thông tin phải công khai” có 15 mục, nhưng không có mục nào nêu về công tác quy hoạch cán bộ.
Như vậy, vấn đề quy hoạch cán bộ, nhất là lãnh đạo cấp cao thuộc phạm vi bí mật, hay nói đúng hơn là chưa được phép công khai. Có ý kiến xuyên tạc cho rằng, Đảng không công khai quy hoạch là nhằm che đậy ê kíp, phe nhóm, cục bộ. Cũng có người cho rằng, vì có nhiều người “chạy” quy hoạch, đưa ra dễ bị lộ nên không dám công khai. Những dư luận thành kiến đó là không nắm được quy định, nêu ra với ý đồ xấu.
Chúng ta cần lưu ý là những vấn đề về lịch sử, quan hệ gia đình, đặc điểm của lãnh đạo, nhất là cán bộ cấp cao có những yêu cầu phải giữ bí mật hoặc bí mật đời tư. Trong mức độ nào đó, bí mật hay chưa được phép phổ biến tùy vào tính chất, tầm quan trọng của mỗi lĩnh vực. Trong quy hoạch có những nội dung lưu hành nội bộ thì thẩm quyền phát hành do cấp ủy, thủ trưởng cơ quan quyết định. Bí mật hoặc chưa công khai quy hoạch cấp cao, cấp chiến lược thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cán bộ cấp này thuộc tầm vĩ mô, không những tính chất chiến lược quan trọng trong nước mà nhiều chức danh còn ảnh hưởng qua lại trong quan hệ quốc tế. Công khai quá sớm làm cho các tổ chức chống đối, thiếu thiện cảm với Nhà nước tìm cách bôi nhọ, tác động tư tưởng, làm biến chất, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ. Chính vì lẽ đó, yêu cầu bí mật ở cấp này cần có quy định chặt chẽ cho đến khi chính thức được công khai.
Yêu cầu bí mật trong mức độ nào đó không phải là tuyệt đối mà chỉ có tính chất tương đối. Bí mật sẽ kết thúc khi hết thời hiệu hoặc được giải mật theo quy định theo Luật Bí mật Nhà nước. Chẳng hạn như quy hoạch được duyệt chưa công khai, khi đề cử bầu cấp ủy sẽ được giới thiệu cho toàn thể đảng viên biết. Ngay như quy hoạch cấp Trung ương nhiệm kỳ XIII vừa qua đã là công khai trong ủy viên trung ương, mặc dù vẫn lưu hành nội bộ. Công khai hay chưa công khai được hiểu như vậy, nó chỉ là tương đối.
Công khai thông tin cán bộ quy hoạch là yêu cầu cần thiết
Các văn bản của Đảng, Nhà nước hiện nay đều xác định quan điểm công khai, minh bạch, khách quan trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác cán bộ. Hướng dẫn 15-HD/BTCTW ngày15/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương (khóa XI) về Quy hoạch cán bộ nêu rõ: “Danh sách cán bộ đưa vào diện quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch được công khai trong Ban Chấp hành Đảng bộ, trưởng các sở, ban, ngành, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đảng ủy và trưởng các đơn vị trực thuộc”. Các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ được công khai để cán bộ, đảng viên tham gia bỏ phiếu giới thiệu quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị được biết. Trong Điều 5, Quy định 205- QĐ/TW (khóa XII) cũng nhấn mạnh: “Công khai, minh bạch nội dung về công tác cán bộ cho các đối tượng có liên quan”. Như vậy, công khai quy hoạch đã được Đảng quy định, ít nhất cũng đã công khai trong các cơ quan của Đảng, chính quyền.
Do quy hoạch được làm trong Đảng nên cán bộ, Nhân dân không có điều kiện nắm được thông tin chính thức. Nếu có thì cũng chỉ nghe qua dư luận bàn tán. Công khai quy hoạch sẽ tránh việc khi bầu cử đảng viên trong cùng cấp ủy, đơn vị không biết nên bầu không đúng. Trong kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền theo Quy định 205 yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của Nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền”. Như vậy, công khai là để phát huy tai mắt của quần chúng trong theo dõi, phát hiện những cán bộ trong quy hoạch “có vấn đề”. Công khai phải làm bài bản, thực chất, có chiều sâu. Có thể công khai ở cơ quan công tác, ở tổ, thôn nơi ngưới đó cư trú, không nhất thiết công khai trên thông tin đại chúng quá rộng, mở ra các cơ quan, địa phương khác. Nội dung đưa ra có thể lựa chọn những đặc điểm chính về vị trí công tác, phẩm chất đạo đức…, tương tự như tiểu sử ứng cử viên Quốc hội, HĐND. Công khai, minh bạch trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo là yêu cầu tất yếu, nhưng phải cân nhắc nhằm đảm bảo yêu cầu bí mật nội bộ, không để bên ngoài lợi dụng chống phá.
Trong tình hình hiện nay, cán bộ và Nhân dân quan tâm hoạt động của tổ chức Đảng là dấu hiệu đáng mừng.
NGUYỄN PHƯỚC AN