Ngày nay, sóc Bom Bo được đầu tư xây dựng khang trang

Hào hùng một thời

Từ thành phố Đồng Xoài chạy theo Quốc lộ 14 hướng về huyện Bù Đăng khoảng 50km là đến sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng).

Tiếp chúng tôi tại Khu Bảo tồn văn hóa của sóc Bom Bo, anh Điểu Minh, hướng dẫn viên là người bản địa nói: “Tất cả những di sản của người dân tộc S’Tiêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như chày, cối giã gạo, cung tên, nỏ… cho đến sản vật địa phương đều được trưng bày và bán để phục vụ du khách”.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, người dân S’Tiêng của sóc Bom Bo đã đóng góp sức người, sức của rất lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của Nhân dân ta. Thông thường thì người dân Bom Bo có lệ giã gạo hằng đêm để làm lương thực cho gia đình ngày hôm sau, nhưng vào những năm địch gắt gao càn quét, quân ta thiếu lương thực phải chịu đói khát thì Sóc Bom Bo đã huy động già trẻ, gái trai đồng lòng ngày đêm giã gạo để nuôi quân. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước đó, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết lên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và đã đi vào lòng người của bao thế hệ người Việt.

Già làng Điểu Lên, một trong những anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ nhớ lại: “Những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ, người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước nói riêng đã đóng góp sức người, sức của vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm đầu thập niên 1960, Mỹ - ngụy liên tục càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược hòng tiêu diệt cách mạng, cắt đứt liên hệ của người dân với cách mạng. Cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược. Đến giữa năm 1963, khi địch vây bắt và khủng bố gắt gao thì già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ “Nửa Lon” để theo cách mạng.

Ở vùng đất mới, bà con bắt tay vào vừa xây dựng lán trại, tăng gia sản xuất và vừa tham gia đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, du kích, làm giao liên; còn phụ nữ và trẻ em thì đêm đêm giã gạo nuôi quân. Hình ảnh ấy cứ khắc sâu mãi trong tim mỗi một người dân sóc Bom Bo cho đến ngày hôm nay”.

Sức sống mới ở sóc Bom Bo

Sóc Bom Bo đã có nhiều đổi thay, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng trong đời sống của đồng bào S’Tiêng, nơi bên ánh lửa bập bùng đêm đêm vẫn vang lên tiếng chày giã gạo nhịp nhàng, thân thuộc…

Già làng Điểu Lên cho biết: “Sóc Bom Bo ngày nay đã khác xa, trước đây khó khăn gian khổ lắm, đường sá đi lại vất vả, nhọc nhằn còn ngày nay những con đường mịt mù đất đỏ được thay bằng những con đường bê tông bằng phẳng, giao thông phát triển, điều kiện đi lại học tập làm việc cũng được cải thiện, đời sống người dân được nâng cao.

Chính quyền tỉnh và huyện Bù Đăng, đã cho xây dựng Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng tại sóc Bom Bo với tổng diện tích 113,4ha, kinh phí đầu tư gần 200 tỷ đồng. Khu bảo tồn được thiết kế theo đặc thù của văn hóa đồng bào S’Tiêng, gồm 2 nhà dài, khu làng nghề truyền thống tái hiện các ngành nghề thủ công của đồng bào như dệt, rèn...

Những công trình khác cũng được xây dựng như trường học, khu sinh hoạt cộng đồng, khu nghỉ dưỡng, khu tái định cư cho các hộ dân nằm trong quy hoạch, bãi đậu xe... Công trình văn hóa này vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ; khuyến khích người dân giữ gìn và phát huy các làng nghề truyền thống, sản xuất sản vật địa phương để phát triển kinh tế nên đã giúp cho bà con dân tộc có cuộc sống no đủ hơn”.

Chị Nguyễn Thị Bích, cán bộ Văn phòng HĐND tỉnh Bình Phước thông tin: Dù còn nhiều khó khăn, song người dân thôn Bom Bo, nhất là bà con đồng bào S’Tiêng đã có nhiều cố gắng, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Toàn thôn hiện có 362 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, trong đó có 155 hộ đồng bào S’Tiêng. Đến nay, tỷ lệ hộ có kinh tế khá trở lên chiếm hơn 70%, số hộ sử dụng điện lưới quốc gia chiếm 100%, hơn 90% hộ có nước sạch cho sinh hoạt, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể...

 Bài, ảnh: GIA HÂN