Bị cáo và bị hại là vợ chồng, có bốn người con chung. Cô con gái cả (24 tuổi), hiện định cư tại Hồng Kông. Ba đứa còn lại sống với cha mẹ tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang. Thời gian gần đây vợ chồng thường lục đục, cãi cọ. Chồng cho rằng vợ đem tài sản trong nhà đi “đề đóm”. Ngày 14/12/2013, vợ dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà. Chồng giằng lại hỏi vợ đi đâu. Vợ: “Tao đi mô kệ tao, đây tài sản của con tao gửi về thì tao có quyền bán hết”. Chồng mới uống với bạn vài ly bia về, nghe vậy bực quá chạy vào bếp cầm cây dao đi ra. Vợ tiếp tục: “Tao đi bán xe, mi làm chi tao”. Chồng đâm một nhát vào ngực vợ. Nạn nhân tử vong. Ngày 22/8/2014, TAND tỉnh xét xử bị cáo về tội “giết người”.
Tòa tuyên án phạt bị cáo 15 năm tù. Đứng lặng một lúc lâu bị cáo mới nặng nề rời khỏi vành móng ngựa theo công an ra khỏi phòng xét xử. Khi ngang qua chỗ các con ngồi, bị cáo ngoái mặt, miệng mấp máy nhưng không thốt lên được lời nào. Chú và cô ruột thúc giục các cháu: “Ra với ba một chút đi. Mau không xe chạy mất”. Như sực tỉnh, cả ba chị em vội chạy ra sân tòa, cũng là lúc cửa xe đóng sầm lại.
Đường về xã Phú Thuận dường như xa ngái hơn dưới cái nắng giữa trưa càng lúc càng chát chúa. Nhà bị cáo cửa đóng im ỉm, lạnh lẽo trong cái nắng hầm hập. Một phụ nữ sống gần nhà bị cáo cũng vừa đi dự phiên tòa về giải thích, từ khi mẹ chết, ba bị bắt, thỉnh thoảng mấy đứa con của họ đến nhà chú hoặc nhà o (cô). Nhưng o, chú đều phải lo gia đình con cái, nên tụi nhỏ tự lo cơm nước cho nhau. O chú chỉ chạy qua chạy lại “tiếp tế” đồ ăn. Dù đã tám tháng trôi qua kể từ ngày cha tước đoạt mạng sống của mẹ rồi bị bắt, mấy đứa trẻ vẫn chưa hết bàng hoàng.
Hai ngày sau phiên tòa, chúng tôi quay trở lại nhà bị cáo. Những cánh cửa vẫn đóng kín, nhưng hàng xóm cho hay có tụi nhỏ ở nhà. Vừa lúc đó, cô ruột của bọn trẻ đến. Chị buồn rầu nói: “Từ khi nhà xảy ra chuyện, mấy đứa cháu tuổi còn thơ mà ít nói cười, cứ lặng lẽ, tiếp xúc với ai cũng ngại. Lúc ở nhà cũng đóng cửa, chị em lui cui với nhau. Nhiều buổi chiều tà, ba chị em cầm nắm hương lủi thủi đi ra mộ mẹ.
Ngôi nhà rộng rãi khang trang nhưng lạnh lẽo. Người cô nói, nghe tòa giải thích mấy đứa nhỏ là đại diện theo pháp luật của bị hại (người mẹ), có quyền kháng cáo yêu cầu tăng nặng hay giảm nhẹ mức án đối với bị cáo. Vậy nên mấy chị em đang viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho cha. Trên tờ giấy học trò là những dòng run run: “Chúng cháu biết ba chúng cháu có lỗi. Nhưng bây giờ chúng cháu chỉ còn ba trên đời. Chúng cháu rất cần được ba yêu thương, che chở. Chúng cháu tha thiết mong tòa xem xét giảm nhẹ mức án để ba chúng cháu sớm được trở về…”
Họ là một gia đình nhưng mẹ giờ nằm dưới nấm mồ hoang lạnh. Cha “chôn” cuộc đời trong trại giam. Không biết tòa phúc thẩm có thể xem xét cho lời khẩn cầu tận tâm can giằng xé của những đứa con, mà một nửa máu thịt của người mẹ - bị hại và nửa kia của người cha - bị cáo. Cô của bọn trẻ thắp nén hương lên bàn thờ chị dâu. Khói hương hay nỗi chua xót ngậm ngùi khiến mắt chị nhòe nước.