Các nữ chiến binh áo đỏ đang hướng đến ngôi hậu thứ 6 ở đấu trường SEA Games. Ảnh: Vietnamnet

Qua 10 kỳ SEA Games, Việt Nam và Thái Lan chia nhau mỗi đội 5 lần đăng quang ngôi hậu môn bóng đá nữ. Và kết quả hòa 1-1 ở trận mở màn tại SEA Games 30 càng cho thấy 2 đội khá cân sức cân tài ở đấu trường này.

Tuy nhiên, dù tham dự muộn hơn Thái Lan, nhưng việc nữ Việt Nam là đội đăng quang ngôi hậu ở những kỳ SEA Games gần nhất (2001, 2003, 2005, 2009 và 2017) đã nói lên sự trỗi dậy mạnh mẽ của các cô gái áo đỏ, đồng thời khiến người Thái “nóng mặt” lẫn bất an.

Để lấy lại vị thế cũng như quyết tâm phục thù sau hai giải đấu đều thất bại dưới tay Việt Nam, bóng đá nữ Thái Lan đã có những đầu tư đáng kể khi thay mới đội ngũ huấn luyện, mời các chuyên gia đào tạo từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc và đưa ra nhiều chính sách thu hút cầu thủ đang sinh sống ở nước ngoài về phục vụ.

Cũng từ những thay đổi tích cực này nên ở thời điểm hiện tại, nữ Việt Nam chưa thể tỏ ra trội hơn nữ Thái Lan về trình độ, kỹ thuật cá nhân, thậm chí phần nào còn thua sút về kinh nghiệm, bản lĩnh do đang trong giai đoạn trẻ hóa lực lượng.

Chưa hết, thua về thể hình, thể lực, nữ Việt Nam là đội dưới cơ Thái Lan trong các tình huống tranh chấp tay đôi, trong các pha leo biên, tạt cánh và bóng bổng, mà bàn thua sau pha bật cao đánh đầu gỡ hòa tỷ số 1-1 của tiền đạo bên phía Thái Lan ở trận ra quân đã chứng minh điều này.

Tuy nhiên, bên cạnh sức trẻ, lực lượng nòng cốt của nữ Việt Nam vẫn còn đó những cái tên như: Tuyết Dung, Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Nguyễn Thị Liễu, Bích Thuỳ, Nguyễn Thị Xuyến..., trong đó, Tuyết Dung với khả năng ghi bàn bằng 2 chân, nữ “sát thủ” Huỳnh Như cùng nhân tố trẻ Nguyễn Thị Vạn với lối chơi khéo léo trên hàng công có thể bù đắp thua sút nói trên.


Tinh thần, sự đoàn kết là một trong những vũ khí lợi hại của các "cô gái vàng". Ảnh: Vietnamnet

Nhưng nếu chỉ có vậy thì nữ Việt Nam sẽ không thể đánh bại đối thủ khi họ cũng sở hữu không ít cầu thủ nguy hiểm, trong đó đáng chú ý là Orapin Waenngoen với khả năng sút xa như nã đại bác hay những pha bật cao đánh đầu nguy hiểm của Taneekarn.

Ngoài phương án chống bóng bổng, nữ Việt Nam đang khá hiệu quả trong lối chơi áp sát cùng những những pha lên bóng từ cánh phải kết hợp với tốc độ tuyệt vời của Hải Yến, sau đó thực hiện những đường chuyền chuẩn xác để “song sát” Huỳnh Như - Tuyết Dung xuyên phá hàng thủ đối phương. Còn ở hàng thủ, đó là sự chắc chắc, cơ động của trung vệ Chương Thị Kiều cùng phản xạ linh hoạt của thủ thành Kim Thanh.

Qua 3 trận gặp Thái Lan, Indonesia và Philippines, điều đang khiến người hâm mộ tiếc nuối và có phần lo lắng là sức rướn của các nữ chiến binh áo đỏ ở nhịp cuối khiến bóng đi không chính xác, không đủ lực để trở thành bàn thắng. Để giải quyết vấn đề này, có lẽ nữ Việt Nam cần phân phối sức hợp lý, chắt chiu cơ hội, tránh phá sức khi trận đấu buộc phải kéo sang hiệp phụ.

Ở giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á hồi tháng 8, các nữ chiến binh áo đỏ đăng quang vô địch ngay trên sân Thái Lan sau khi vượt qua chính đối thủ này ở trận chung kết với tỷ số 1-0. Tuy nhiên, tại SEA Games 30, nữ Thái Lan đã có nhiều thay đổi vượt bậc, trong khi nữ Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ khiến cơ hội chiến thắng của thầy trò HLV Mai Đức Chung không cao hơn đối phương.

Lúc này, sự bền bỉ được hun đúc từ tinh thần, từ màu cờ sắc áo, từ cái đầu lạnh cùng trái tim nóng chính là yếu tố quyết định thắng - thua. Mà với những gì đã và đang thể hiện, nữ Việt Nam cho thấy trội hơn đối thủ về phương diện này.

Hàn Đăng