Theo khảo sát của chúng tôi, trước khi dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện, giá thịt lợn thành phẩm bình quân trên dưới 70 ngàn đồng/kg; khi dịch tả lợn bùng phát giảm xuống 40 ngàn đồng/kg; nay, khi dịch tả lợn châu Phi tạm lắng xuống thì giá thịt lợn đã cao ngất ngưởng, bình quân 130 ngàn/kg; những loại thịt ngon như thịt giò, sườn… có ngày lên trên 170 ngàn đồng/kg.

Giá thịt lợn tăng đồng nghĩa với những món ăn chế biến từ thịt lợn cũng tăng, như tô bún tăng bình quân 5 ngàn đồng/tô. Điều mà nhiều người cho là vô lý là những món ăn không liên quan gì đến thịt lợn cũng tăng theo như tô cháo bò, cháo hàu, thậm chí cả tô bánh canh cũng tăng từ 2 đến 5 ngàn đồng/tô. Một số hàng quán khác tuy không tăng giá nhưng thức ăn trong mỗi dĩa cơm, tô cháo đã ít hơn.

Thị trường thịt heo có nhiều biến động lớn. Ảnh: QV

Ngoài tâm lý “tát nước theo mưa” còn có một nguyên nhân sâu xa khác. Bởi thịt lợn là món ăn chủ lực của người Việt Nam, với đặc tính dễ chế biến, ngon, được nhiều người ưa chuộng; nhiều món ăn khác tuy không dùng nguyên liệu trực tiếp từ thịt lợn nhưng vẫn dùng gia vị từ lợn như mỡ màu, tóp mỡ, da… Mặt khác, đa số những người vận chuyển, cung ứng hàng hóa đều sử dụng “cơm hàng, cháo chợ” nên khi chi phí ăn uống trên đường tăng thì họ cũng tăng giá vận chuyển. Chị Lan bán cháo hàu ở Tây Lộc cho biết, trước đây, chị nhập hàu thịt từ Quảng Bình vào bình quân khoảng 70 ngàn đồng/kg, nay đã tăng lên 80, 90 ngàn đồng/kg, nên rất khó bán…

Trong buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ tổ chức hồi đầu tháng 12, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, giá thịt lợn trong nước tăng cao nếu chúng ta không cẩn trọng, tới dịp Tết và cả sau Tết thì vẫn là vấn đề rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn đến cả CPI, sự ổn định của nền kinh tế…

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo cụ thể với các vấn đề nổi cộm hiện nay; như phải có biện pháp kịp thời để bình ổn giá thịt lợn trong dịp cuối năm, tập trung ngăn chặn sự lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh cho biết, hiện nay trên địa bàn mỗi ngày tiêu thụ khoảng 2.000 con lợn; trong lúc tổng đàn lợn tại địa phương còn khoảng 130.000 ngàn con. Như vậy, nếu không nhập thịt lợn từ nơi khác thì số lợn này chỉ tiêu thụ trong vòng 2 tháng là hết, chưa kể dịp Tết, mức độ tiêu thụ thịt lợn còn tăng gấp nhiều lần.

Trong lúc việc tái đàn vẫn còn dè dặt, cầm chừng (mà dẫu có tái đàn trong thời điểm này vẫn không đủ thời gian để xuất chuồng trong dịp Tết) thì việc kiểm soát tốt giá cả thị trường, nhập nguồn lợn từ nơi khác là biện pháp tối ưu để bình ổn giá thịt lợn cuối năm, góp phần bình ổn giá các mặt hàng khác. Tuy nhiên, việc nhập lợn từ nơi khác cũng cần nắm kỹ về nguồn gốc, tránh để lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cho việc tái đàn cũng như bình ổn giá thịt lợn sau này.

Đặng Thành