Được hỗ trợ vốn khuyến công để đầu tư máy móc, cơ sở mỹ nghệ Phúc Mai (Hương Thủy) sản xuất các sản phẩm lưu niệm đáp ứng nhu cầu thị trường
Thành lập từ tháng 4/2019, Tổ hợp tác mướp đắng Tây Hoàng, xã Quảng Thái (Quảng Điền) gồm 9 thành viên, chuyên thu mua sản phẩm mướp đắng của người dân trên địa bàn để cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi tham quan học tập các mô hình sản xuất mướp đắng khô, trà mướp đắng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và làm việc với các đối tác, cơ sở quyết định đầu tư máy sấy để phục vụ công đoạn sấy khô sản phẩm. Từ đó, cơ sở lập đề án KC xin hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy và được Sở Công thương phê duyệt với mức hỗ trợ 87 triệu đồng, kinh phí trang bị máy là 220 triệu đồng.
Theo tổ trưởng Tổ hợp tác Phạm Bá Nhật, nếu không được nguồn vốn KC tiếp sức kịp thời, tổ hợp tác rất khó đầu tư thiết bị vì bao nhiêu vốn liếng đều tập trung thu mua sản phẩm. Từ nguồn hỗ trợ của vốn KC, tổ mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư máy và ứng vốn cho bà con mở rộng diện tích trồng mướp đắng, đáp ứng nguồn nguyên liệu sau khi đưa máy vào hoạt động.
Sau hàng chục năm tự làm sạch và phân loại hạt giống lúa thủ công, đầu năm 2019 HTX Nông nghiệp Hiền Lương, xã Phong Hiền (Phong Điền) đầu tư máy sàng làm sạch và phân loại hạt giống sau khi thụ hưởng vốn KC.
“Sau nửa năm đưa vào hoạt động và chuyển từ phân loại giống thủ công công suất 3 tấn/ngày sang thiết bị tiến tiến công suất 15 tấn/ngày, mỗi ngày HTX đã tiết giảm được 3 nhân công nên chi phí sản xuất giảm từ 80.000 đồng/tấn xuống còn 33.000 đồng/tấn, trong khi chất lượng lúa giống đồng đều hơn trước nên bà con nông dân rất vui”, Giám đốc HTX Hoàng Văn Hiền chia sẻ.
Năm 2019, nguồn vốn KC đã tập trung hỗ trợ cho nhóm hàng chủ lực của tỉnh nhằm góp phần phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, phát triển thêm nhiều sản phẩm lưu niệm - quà tặng và tăng doanh thu cho các DN. Nhờ được hỗ trợ từ vốn KC, các cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư, trong đó một đồng vốn KC thu hút 1,5 đồng vốn đầu tư của DN nên đã kích cầu sản xuất, tạo việc làm.
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hùng Sơn cho rằng, việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã kịp thời khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm mới và chất lượng sản phẩm ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Sơn, mặc dù nguồn vốn KC đã phát huy giá trị, tạo động lực cho các DN phát triển, tuy nhiên qua khảo sát, thời gian qua tính liên kết giữa DN chưa cao, trình độ quản lý và áp dụng công nghệ còn thấp nên quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ. Năm 2020, sở sẽ hỗ trợ vốn KC dưới hình thức đề án cụm, chuỗi và hạn chế hỗ trợ cho các cơ sở đơn lẻ nhằm tạo sự liên kết giữa các DN và các cơ sở công nghiệp nhỏ góp phần mang lại hiệu quả tập thể và tránh lãng phí các thiết bị máy móc.
Thông qua nguồn vốn KC, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 175 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 34 sản phẩm được công nhận cấp khu vực và 11 sản phẩm cấp quốc gia, góp phần quảng bá thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Bài, ảnh: Thanh Hương