- Có ai ở nhà không?

Tiếng gọi của bác tổ trưởng tổ dân phố từ tốn bên ngoài cổng nhà. Bác đến khi không còn sớm, đồng hồ đã chỉ 9 giờ tối. Trời lạnh nên bác co ro trong chiếc áo ấm rộng và dày.

Đi cùng bác còn có hai thành viên của tổ dân phố. Bác đến để quyên góp tiền hỗ trợ một gia đình trong tổ vừa qua đời. Mỗi hộ, bác chỉ quyên 10.000 đồng. Số tiền không là bao so với cái công bác phải đến tận nhà quyên góp, nhưng là cái tình cái nghĩa với người quá cố. Khu phố phần đông là cán bộ, đi làm cả ngày nên các bác tranh thủ đến ban đêm.

Đã tối, cũng là nhà cuối cùng phải đến nên tôi mời các bác vào nhà nghỉ chân, uống chén trà ấm.

Bên chén trà, chuyện làng, chuyện xóm ấm dần.

Hơn mười năm làm tổ trưởng, bác cùng với bà con khu phố duy trì được quỹ học bỗng của tổ, hàng năm phát thưởng, động viên cho con em học giỏi. Cuối năm, đầu năm, ngày nông dân, phụ nữ, đại đoàn kết… đều tổ chức được các cuộc họp mặt, liên hoan. Nhà nào có người ốm đau, qua đời đều thăm hỏi... Qua đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt. Kinh phí cho các hoạt động đều do bà con chòm xóm đóng góp. Các bác mỗi dịp lại bỏ công đến từng nhà kêu gọi, quyên góp.

- Cũng vì cái chung nên chịu khó cô ạ. Nhưng nói thật, nhiều người khó chịu lắm. Tiền ủng hộ, đóng góp không nhiều và vì cái chung nhưng có người, thấy chúng tôi đến lại không vui, mặt nặng mày nhẹ, bảo tiền gì mà nộp mãi. Có nhà, chúng tôi phải đến hai, ba bận mới quyên được tiền. Có người nhà cao, cửa rộng mà sao bụng lại chật - bác tổ trưởng phàn nàn.

Tiễn bác tổ trưởng ra cổng, tôi thấy bước chân bác cà nhắc. Bác nói cái chân bị khớp, trở trời nên đau. ‘‘Năm ni tui cũng gần 70 rồi. Muốn nghỉ việc nhưng bà con cứ động viên phải làm. Cũng vì cái chung thôi cô ạ”, bác giãi bày.

Trong khu phố, bác không phải là gia đình khá giả. Cũng phải bươn chải nhiều việc để mưu sinh. Ngôi nhà bác cũng đơn sơ, không rộng, không sang. Nhưng tấm lòng bác lại rộng…

Nhật Nguyên