Nguyễn Thị Oanh - chủ nhân 2 HCV ở nội dung 5.000m nữ và 3.000m rào nữ. Ảnh: Thanhnien.vn

Niềm vui nhân đôi

Sau tấm HCV lần thứ 6 để qua mặt Thái Lan trở thành đội giàu thành tích nhất lịch sử bóng đá nữ SEA Games của các “bông hồng thép”, thì tấm HCV đầu tiên sau 60 năm chờ đợi của môn bóng đá nam chính là điểm nhấn không thể tuyệt vời hơn của Đoàn thể thao Việt Nam trong những ngày sôi động của kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực.

Nếu như ở môn bóng đá nữ, đằng sau những tấm HCV qua các kỳ SEA Games là những khó khăn mà thầy trò HLV Mai Đức Chung đã vượt qua khiến nhiều người không khỏi rớm nước mắt, thì tấm HCV của bóng đá nam lại đưa người hâm mộ nước nhà vỡ òa trong hạnh phúc, trong sung sướng tột cùng.

Quan trọng hơn, kể từ cuối năm 2017, dưới bàn tay chèo lái của vị thuyền trưởng người Hàn Quốc, các đội tuyển Việt Nam đã chứng tỏ vị thế, sức mạnh, bản lĩnh của đội bóng số 1 Đông Nam Á khi bên cạnh chiến thuật sở trường phòng ngự chặt - phản công nhanh, khả năng sắp xếp, tinh chỉnh nhân sự hợp lý để đem lại sự cân bằng các tuyến đã giúp các đội tuyển Việt Nam không còn “khớp cơ” trước đối thủ mạnh ở khu vực, châu lục, thì HLV Park Hang - seo còn tạo cơ hội cho những tài năng trẻ xuất lộ, khiến người hâm mộ Việt Nam càng yên tâm hơn về bóng đá nước nhà trong tương lai.

Tất nhiên, những niềm vui, những thành công không chỉ đến từ 2 môn bóng đá nam và nữ. Tham dự SEA Games 30, Đoàn thể thao Việt Nam góp mặt hơn 600 VĐV, tranh tài ở hơn 40 môn thi cùng chỉ tiêu 65 HCV. Trong khi đó, số VĐV của “đại kình địch” Thái Lan là gần 1.000 VĐV, tranh tài ở gần 50 môn. Nhưng dù chênh lệch lực lượng, nội dung thi đấu, Đoàn thể thao Việt Nam vẫn qua mặt Thái Lan với 98 HCV để đứng thứ nhì toàn đoàn.

Để có được vị trí này, bên cạnh vật, võ gậy, khiêu vũ thể thao, cử tạ, kurash..., điểm nhấn của thể thao Việt Nam còn ở môn bơi, với những cái tên, như: Trần Hưng Nguyên - kình ngư 16 tuổi giành 2 HCV 200m và 400m hỗn hợp ở lần đầu dự SEA Games, phá kỷ lục nội dung 400m; Nguyễn Huy Hoàng lập 2 kỷ lục SEA Games mới ở nội dung 400 mét và 1.500 mét tự do cùng 2 suất dự Olympic cự ly 800m và 1.500m; hay môn điền kinh là Nguyễn Thị Oanh - chủ nhân 2 HCV ở nội dung 5.000m nữ và 3.000m rào nữ, phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m rào nữ; Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy - những VĐV đã phá kỷ lục SEA Games tồn tại suốt 24 năm ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ...

Kỳ vọng

Tại SEA Games 30, thể thao Thừa Thiên Huế góp mặt cùng Đoàn thể thao Việt Nam 1 HLV và 3 VĐV ở các môn: Sambo (HLV Nguyễn Văn Ngãi, VĐV Dương Thị Quỳnh Như), điền kinh (VĐV Trần Thị Yến Hoa) và vật (VĐV Nguyễn Thị Mỹ Hạnh) cùng chỉ tiêu 1 HCV.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh trên bục nhận HCV môn vật nữ hạng 62kg tại SEA Games 30. Ảnh: H. Mỹ

Trước giờ khởi tranh, mọi âu lo dồn vào Sambo - môn thể thao còn khá mới mẻ ở Việt Nam, trong khi Dương Thị Quỳnh Như - tuyển Judo Huế chỉ được làm quen với môn võ này trong vòng 20 ngày. Dẫu vậy, dù lần đầu tiên tranh tài ở giải đấu cấp khu vực, Quỳnh Như vẫn xuất sắc đem về 1 HCĐ. Đây cũng là tấm huy chương duy nhất của tuyển Sambo Việt Nam tại SEA Games 30.

Tiếp nối Sambo, điền kinh với niềm hy vọng được đặt lên những bước chạy của Yến Hoa. Tuy nhiên, “cô gái vàng” điền kinh Huế đã không thể bảo vệ 2 tấm HCV nội dung 100m vượt rào và tiếp sức 4x100m khi lần lượt giành 1 HCB, 1 HCĐ.

Đến lúc này, mọi hy vọng “vàng” chỉ còn trông chờ vào môn vật với Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - VĐV từng giành HCĐ ASIAD 2018. Và, Mỹ Hạnh đã không phụ kỳ vọng khi cho thấy đẳng cấp “vô đối” ở đấu trường Đông Nam Á bằng 4 chiến thắng với các cách biệt: 10-0, 10-10, 10-0 và 11-1 trước các đối thủ lần lượt đến từ Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore để giành HCV nội dung tự do hạng 62kg nữ.

Không thật sự quá thành công khi điền kinh vuột mất HCV cùng nỗi lo ai sẽ là người kế thừa sau thời điểm Yến Hoa giải nghệ, nhưng trên bình diện chung, thể thao Thừa Thiên Huế đang cho thấy bước đi vững chắc, đúng hướng và đáng để kỳ vọng, ít nhất là ở môn Sambo và vật nữ trên đấu trường khu vực, châu lục.

Hàn Đăng