Tác phẩm “Nắng sau vườn” - Phạm Hoàng Anh

Giới thiệu đến công chúng 48 tác phẩm của 48 tác giả, phòng tranh là sự hội tụ phong phú về thể loại, gồm hội họa, đồ họa, điêu khắc và chất liệu với acrylic, sơn dầu, sơn mài, in khắc gỗ, bút sắt, thủy ấn họa, nghệ thuật trúc chỉ, composite đất nung… Không chỉ phong phú về chất liệu và kỹ thuật tạo hình, phòng tranh còn thể hiện sự đa dạng trong phong cách biểu hiện, từ trừu tượng, bán trừu tượng đến lập thể, ấn tượng, biểu hiện cho đến tả thực.

Xoay quanh những điều dung dị trong cuộc sống đời thường của con người, các tác phẩm đều thể hiện cái đẹp của nghệ thuật tạo hình cả về nội dung, bố cục và kỹ thuật, chất liệu, mang đến cho công chúng thưởng lãm những xúc cảm thẩm mỹ, từ đó có cái nhìn tổng quan về diện mạo mỹ thuật Thừa Thiên Huế hiện tại. Những tác phẩm được lựa chọn trao giải thưởng mỹ thuật thường niên của Hội Mỹ thuật, được đề cử tham dự giải thưởng văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế hay được nghiệm thu hỗ trợ sáng tạo đều thể hiện được độ chín của tác phẩm.

Với màu sắc rực nắng, tác phẩm “Vườn thiên nhiên” bằng chất liệu acrylic của họa sĩ Nguyễn Đức Huy thu hút ánh nhìn của người xem khi thể hiện một khu vườn tươi đẹp, xanh mát. Trong khu vườn ấy, những cô thiếu nữ tinh nghịch, hồn nhiên với trò chơi trẻ thơ là những cây đàn, chiếc kèn được làm từ hoa, lá. Cảm nhận bằng tâm hồn lắng sâu, hẳn người xem sẽ nghe được tiếng xào xạc của làn gió, tiếng du dương của bản nhạc hay tiếng chim ríu rít trong vườn.

Họa sĩ Nguyễn Đức Huy cho hay, tác phẩm nằm trong bộ tranh “Vườn thiên nhiên” gồm khoảng 20 bức tranh anh sáng tác trong thời gian qua. Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, chùm tác phẩm này đưa người xem trở lại với cuộc sống an yên nơi thôn dã, một bông hoa, hạt sương đọng trên cành cũng làm con người dịu mát tâm hồn trước những bon chen của cuộc sống. Tác phẩm cũng truyền tải thông điệp về việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ không gian xanh trong quá trình đô thị hóa.

Tác phẩm “Bão” - Nguyễn Văn Thọ

“Nắng sau vườn” của Phạm Hoàng Anh, một bức tranh khác chủ đề về thiên nhiên cũng tạo được ấn tượng mạnh mẽ với người xem bởi cái tình trong đó. Mặc dù chủ đề, chất liệu không mới nhưng bức tranh đạt đến độ chín trong cách dùng màu, bút pháp thể hiện. Không vẽ những gì cao siêu, chỉ đơn giản là vẽ về một góc vườn nhưng bức tranh mang đến sự bình yên, mát lành trong tâm hồn mỗi người khi chiêm ngưỡng nó.

Khắc họa chính người mẹ của mình, tác phẩm “Bão” bằng chất liệu composite của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thọ là một tác phẩm đẹp về ngôn ngữ nghệ thuật, bố cục và chất tạo hình, mang đến cho người xem cảm xúc đặc biệt về hình ảnh người mẹ tảo tần. Bức tượng thể hiện một người mẹ già lưng còng, chân mỏi sau những vất vả mưu sinh lo cho đàn con khôn lớn. Vẻ khắc khổ của mẹ được lột tả đậm nét trên khuôn mặt, qua từng nếp nhăn. Cuộc đời mẹ còn gắn liền với hình ảnh cây đèn bão, như tượng trưng cho những giông tố cuộc đời mà mẹ đã nếm trải, vượt qua và cũng là ánh sáng soi sáng cho cuộc đời của những đứa con.

Góp mặt vào triển lãm năm nay, nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái mang đến phòng tranh tác phẩm “Hạt chuyển động”. Bằng chất liệu sắt hàn, tác phẩm kể chuyện vòng đời, sự chuyển động và sức sống của “hạt” trong lòng vạn vật bằng nghệ thuật điêu khắc. Mang tính biểu tượng hơn là tả thực, “Hạt chuyển động” thể hiện một mầm non vươn mình mãnh liệt để chống chọi trong môi trường khắc nghiệt.

Dù không gian trưng bày không lớn nhưng triển lãm mỹ thuật năm nay quy tụ được đội ngũ nghệ sĩ nhiều thế hệ, từ những cây cọ lâu năm cho đến các hội viên trẻ mới vào Hội Mỹ thuật. Với sự đa chiều về sắc thái tạo hình, chủ đề thể hiện, phòng tranh như hội đủ sắc màu đặc trưng của mỹ thuật tạo hình, để mang lại những rung cảm thẩm mỹ trong thị giác người xem.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Tôi rất vừa ý phòng tranh năm nay với nhiều tác phẩm đẹp, chất lượng tốt thể hiện thế giới nội tâm sâu lắng của từng tác giả được ẩn dụ, khắc tả qua cấu tứ của ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật chất liệu đa dạng. Ẩn chứa trong đó là khát khao vượt qua những khó khăn đời thường để không ngừng khai phá, tìm kiếm cái đẹp lý tưởng trong cuộc sống đương đại đầy biến động”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN