Chặt phá rừng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, giảm độ che phủ rừng. Ảnh minh họa: Socialforestry

Đông Nam Á cũng có tỷ lệ phá rừng cao nhất trong số các khu vực nhiệt đới lớn, chỉ sau Mỹ Latinh và châu Phi. Ước tính, ​​khu vực này đã mất hơn 50% diện tích rừng nguyên thủy, và một số khu rừng nhiệt đới nguyên sinh trong khu vực cũng sẽ biến mất vào năm 2022, kéo theo việc mất môi trường sống hoang dã. Phá rừng là một vấn đề lớn của ASEAN, nghiêm trọng nhất là ở Indonesia, tiếp đến là các điểm nóng khác như Malaysia, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.

Nguyên nhân “đại dịch” phá rừng

Đông Nam Á là một điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu, nhưng với hơn 600 triệu người sống trong khu vực, áp lực đối với đa dạng sinh học là rất nghiêm trọng. Do dân số ngày càng tăng, nhu cầu về không gian đô thị cũng tăng lên, do đó nhiều chính phủ đã thực hiện các biện pháp giải phóng mặt bằng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

Một nguyên nhân quan trọng khác của nạn phá rừng bắt nguồn từ nhu cầu mở rộng nhanh chóng, do sự phát triển kinh tế không được kiểm soát. Các khu rừng ở Đông Nam Á nổi tiếng là nguồn gỗ phong phú phù hợp cho nhiều mục đích khác nhau, vì nó chứa đầy rừng mưa nhiệt đới và hệ sinh thái đa dạng. Những tài nguyên rừng này được sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều sản phẩm gỗ như đồ gỗ, giấy, bột giấy… hoặc được sử dụng làm năng lượng dưới dạng nhiên liệu gỗ. Do đó, các nước Đông Nam Á hiện đang phải đối mặt với vấn đề cạn kiệt tài nguyên rừng tự nhiên để đáp ứng nhu cầu gỗ toàn cầu.

Các lý do khác đằng sau tỷ lệ phá rừng đáng lo ngại này phải kể đến là nạn khai thác trái phép và giải phóng mặt bằng do chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các hoạt động nông nghiệp. Dù chính phủ các nước luôn cố gắng điều chỉnh việc sản xuất và buôn bán các sản phẩm gỗ trong nền kinh tế nước mình, nhưng vẫn luôn có những kẻ vi phạm các luật này bằng cách khai thác gỗ từ các khu vực được bảo vệ hoặc vượt quá giới hạn pháp lý. Khai thác gỗ bất hợp pháp gây nguy hiểm cho những khu rừng vốn là nơi sinh sống của một số lượng lớn các loài có giá trị và cũng làm giảm giá gỗ trên toàn thế giới. Hậu quả là các công ty thực sự tuân thủ các điều luật về khai thác gỗ sẽ bị ảnh hưởng và các cộng đồng nghèo hơn có thể dễ bị trục lợi.

Với tình hình đó, nhiều nhà khoa học cho rằng, nạn phá rừng đang trở thành một “đại dịch” của thời hiện đại. Báo cáo từ Chương trình hợp tác của Liên Hiệp quốc về giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (REDD) cho thấy, phá rừng và suy thoái rừng chiếm gần 20% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, nhiều hơn toàn bộ ngành giao thông của cả thế giới và chỉ đứng sau ngành năng lượng. Và với tốc độ phát triển của “đại dịch” này hiện nay, ảnh hưởng của nạn phá rừng là điều không thể chối cãi.

Hành động của ASEAN

Bà Serina Abdul Rahman, Uỷ viên thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak) nói rằng, ASEAN đã có một hiệp định về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tự nhiên, đã được CBD (Công ước về đa dạng sinh học) thông qua và được tất cả các nước ASEAN phê chuẩn, tuy nhiên nó chưa bao giờ được chính thức đồng ý và thi hành. ASEAN hiện là một bên tham gia CBD - có nghĩa là về mặt kỹ thuật, khối nhất trí với mục tiêu ít nhất 17% các khu vực nội địa được bảo vệ vào năm 2020.

Các nước thành viên ASEAN cũng đã cam kết với SDGs (Các mục tiêu phát triển bền vững) và Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Một số quốc gia như Campuchia, Indonesia, Philippines và Việt Nam đã trở thành đối tác của Chương trình REDD + (Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; vai trò bảo tồn, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon của rừng ở các nước đang phát triển).

Theo bà Serina, điều quan trọng là phải giám sát cách thức để các cam kết và giao thức công khai này được chuyển thành hành động thực tế, nhất là khi sự phát triển của các nền kinh tế có xu hướng bỏ qua vai trò của bảo tồn đa dạng sinh học. Các nguyên tác phát triển bền vững được thực thi ở mức độ nào trong ASEAN chính là điều cần được chú ý và theo dõi.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ The Nature & The ASEAN Post)