Học ngoại ngữ của học sinh TX. Hương Trà

Tăng giờ học & thực hành

Năm học 2020 - 2021 chương trình GDPT mới sẽ áp dụng ở lớp 1; năm 2021 - 2022 áp dụng ở lớp 2 và lớp 6; năm 2022 - 2023, áp dụng ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Việc hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông sẽ kết thúc vào năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Với chương trình mới, học sinh lớp 1 học 7 môn bắt buộc, gồm: Tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, giáo dục thể chất, nghệ thuật và hoạt động trải nghiệm. Tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 1 trở thành 2 môn học tự chọn được áp dụng từ lớp 1 (hiện học sinh học ngoại ngữ từ lớp 3 và học 10 môn). So với chương trình hiện hành, chương trình mới dành nhiều thời lượng cho việc dạy tiếng Việt cho học sinh. Ở lớp 1, học sinh học 420 giờ/năm học. Toàn bộ cấp tiểu học có đến hơn 1.500 tiết học về tiếng Việt.

Một điểm khác nữa là, học sinh được giảm số môn học nhưng lại tăng tiết học. Chương trình áp dụng cho học sinh tiểu học được quy định cứng là 2.838 giờ, trong khi chương trình hiện hành học sinh học 2.353 giờ (tăng 485 giờ). Điều này được lý giải, so với chương trình hiện hành, học sinh tiểu học sẽ được học 2 buổi/ ngày. Trong chương trình mới, thời lượng môn giáo dục thể chất bậc tiểu học tăng lên 35 tiết so với hiện nay.

Đón đầu

Dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, từ nhiều năm qua, các trường tiểu học ở Thừa Thiên Huế được chỉ đạo và đã đi đúng hướng khi đáp ứng được tiêu chuẩn của chương trình GDPT mới, như tổ chức trải nghiệm ngoại khóa, thể thao, nghệ thuật... để phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Các trường trên địa bàn đều được đầu tư xây mới, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Năm học 2019 - 2020, 100% các trường đều học hai buổi ngày.

Nội dung hoạt động trải nghiệm tập trung vào khám phá, bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình; hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi được tổ chức với nội dung, hình thức phù hợp. Tiết học và cách dạy của cô giáo Cao Thị Thanh Tuyết, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Huế) là một dẫn chứng sinh động. Dạy học sinh lớp 4 tiết học về Kinh thành Huế, thay vì “cô giảng, trò chép”, cô giáo Cao Thị Thanh Tuyết cho học sinh tìm hiểu sách báo viết về Kinh thành Huế ở Thư viện Tổng hợp tỉnh. Sau đó, các em được sang Đại Nội Huế để tận mắt chứng kiến Kinh thành Huế một cách sinh động.

Năm học 2018 - 2019, các phòng giáo dục và đào tạo đã triển khai có hiệu quả các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học mỹ thuật đa phương tiện, đảm bảo mỗi giáo viên đều có ít nhất 2 tiết dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” theo chủ đề của từng học kỳ.

Thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” theo Quyết định số 1400/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 100% trường học triển khai học ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 theo chương trình 4 tiết/tuần. Tại nhiều cơ sở giáo dục đều đảm bảo các điều kiện để học sinh các lớp 1 và 2 làm quen với tiếng Anh và tin học. Chuẩn bị cho việc thay sách khoa, năm học 2019 -2020, đã có 216 trường ở Thừa Thiên Huế triển khai dạy học môn tiếng Việt lớp 1 – công nghệ giáo dục.

Chủ động

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều giáo viên tiểu học. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, chương trình khá hay và có phần giảm tải. Đặc biệt, ở môn toán và tiếng Việt, học sinh được thực hành nhiều hơn. Về cơ bản, giáo viên trẻ không ngại học hỏi để tự đổi mới phương pháp dạy. Tuy nhiên, để tất cả giáo viên thực hiện được, đòi hỏi phải có thời gian và sự nỗ lực của từng giáo viên, đặc biệt là với những người có tuổi. Trước khi đổi mới, giáo viên phải nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa và có sự so sánh, đánh giá để hiểu được bản chất đổi mới để áp dụng dạy học hiệu quả.

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học – Sở GD & ĐT khẳng định: Một điểm rất quan trọng trong chương trình giao dục phổ thông mới đó là đội ngũ giáo viên. Sở GD & ĐT đã liên kết với Trường ĐHSP Huế tổ chức nhiều lớp tập huấn. Giáo viên tiểu học cốt cán được truyền tải các nội dung cơ bản về chương trình GDPT tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động trải nghiệm, xây dựng kế hoạch dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Toàn tỉnh có trên 5.000 giáo viên tiểu học thì có đến trên 98% có trình độ trên chuẩn. Hiện, tỷ lệ giáo viên đứng lớp là 1,6 giáo viên /lớp ở bậc tiểu học; trong đó, có 100% trường học có giáo viên chuyên trách các môn giảng dạy các môn tin học, mỹ thuật, tiếng Anh, thể dục, âm nhạc. Đó là thuận lợi rất căn bản trong triển khai đổi mới chương trình giáo dục tiểu học.

Áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, giáo viên sẽ thực hiện phương pháp dạy học mới. Giáo viên sẽ phải dạy học tích cực, hướng dẫn học sinh hoạt động, tự tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng vận dụng vào đời sống. Thế nên, giáo viên sẽ là người cần thay đổi đầu tiên từ nhận thức đến phương pháp giảng dạy. Mỗi giáo viên phải cập nhật thường xuyên công nghệ thông tin để có thể ứng dụng vào môn học. Đây có thể là bước đột phá của thế hệ giáo viên trong thời đại 4.0.

Bài, ảnh: Huế Thu