Xử lý chất thải không đảm bảo, Nhà máy tinh bột sắn Fococev Phong An vừa bị xử phạt gần 480 triệu đồng

Nguồn phát sinh, sự phức tạp về thành phần và tính chất của các loại chất thải CN ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Lượng chất thải rắn CN ngày càng gia tăng tại các KCN, khu kinh tế, cụm TTCN. Thành phần chất thải rắn CN thường bao gồm: rác thải hữu cơ (30-40%), tro xỉ (10-15%), kim loại (5-10%), bao bì (2-4%) và các thành phần vô cơ khác như: thủy tinh, cao su, giẻ lau (20-30%). Ngoài ra, thành phần CTNH như: dầu thải, sơn keo, dung môi… cũng thường chiếm không quá 20%, tùy thuộc loại hình sản xuất. Ngoài những cơ sở có hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý, vẫn còn tình trạng số ít chưa được thu gom, xử lý theo quy định mà bị chất đống hoặc thải vào các kênh, sông, hồ, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước, đất và không khí.

Các KCN, cụm TTCN trên địa bàn hầu như vừa xây dựng, hoàn thiện vừa kêu gọi đầu tư dẫn đến tình trạng hạ tầng chưa xong, doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Vì thế, việc xây dựng hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải tập trung, vành đai cây xanh, các điểm trung chuyển chất thải CN, chất thải sinh hoạt… chưa được quan tâm, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường và khiếu kiện của Nhân dân. Hiện trạng môi trường xung quanh không ít các KCN, cụm TTCN đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Các KCN hiện nay đa phần đều chưa có hệ thống xử lý nước thải CN tập trung; riêng KCN Phú Bài đã đầu tư hệ thống xử lý giai đoạn I với 2 môđun có công suất xử lý 5.400m3/ngày đêm. Các KCN khác đang được Ban quản lý các KCN tỉnh xây dựng dự án và kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, cây xanh, khu vực thu gom chất thải sinh hoạt, khu vực lưu giữ CTNH và nhất là trạm quan trắc tự động hệ thống xử lý nước thải tập trung...

Không khí ở các KCN, nhất là các KCN sản xuất vật liệu xây dựng và khoáng sản đang bị ô nhiễm, do các nhà máy trong KCN sử dụng công nghệ sản xuất cũ hoặc mới đầu tư sơ bộ hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Lượng chất thải rắn tại các KCN, cụm TTCN ngày càng gia tăng, nhưng vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, nhất là đối với việc quản lý, vận chuyển và xử lý theo quy định đối với CTNH.

Công tác quản lý môi trường của các KCN còn nhiều tồn tại, phân cấp trong hệ thống quản lý môi trường KCN chưa rõ ràng; quy hoạch chưa thực sự gắn với bảo vệ môi trường, việc áp dụng sản xuất sạch hơn và công nghệ thân thiện với môi trường tại các doanh nghiệp trong KCN chưa được chú trọng; mô hình KCN sinh thái chậm được nghiên cứu, áp dụng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường KCN chưa thực sự nghiêm minh...

Bên cạnh các KCN và cụm TTCN, các cơ sở sản xuất CN nằm ngoài các khu, cụm CN cũng đang phát sinh các nguồn thải CN từ các loại hình sản xuất đa dạng, nhiều ngành nghề. Quy mô xả thải của các cơ sở thường không lớn, nhưng do số lượng các cơ sở khá nhiều, nằm xen lẫn trong khu dân cư, nên tổng lượng chất thải phát sinh chiếm tỷ trọng đáng kể. Trong khi đó, một số cơ sở sản xuất kinh doanh lén lút xả nước thải, chất thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn ra môi trường.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên