Người lao động tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại ngày hội việc làm
Khởi sắc
Tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Huế, Nguyễn Thị Diệu Hòa (phường Hương Sơ, TP. Huế) quyết định đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Nhật Bản. Sang Nhật làm việc ở công ty bánh kẹo, thu nhập mỗi tháng của Hòa khoảng 30 triệu đồng. Vừa trở về từ Nhật sau một năm làm việc, Hòa kể: “Công việc của em ở bên ấy không quá vất vả, cuộc sống thoải mái, môi trường sạch sẽ, đời sống người lao động được chủ doanh nghiệp quan tâm. Không chỉ tích lũy được vốn liếng, em còn học hỏi được tác phong chuyên nghiệp, làm việc đúng giờ, kinh nghiệm, vốn sống… Em đang học thêm tiếng Nhật để tiếp tục đăng ký đi đơn hàng khác”.
Học Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, ra trường, sau khi đi làm một thời gian, Nguyễn Mạnh Tuấn (phường Thủy Xuân, TP. Huế) đăng ký đi XKLĐ ở Nhật Bản, đơn hàng nội thất. Với Tuấn, đi Nhật không chỉ là kiếm tiền mà còn là cơ hội để trang bị các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, nâng cao chuyên môn áp dụng cho công việc sau này.
Khởi động lại từ năm 2016 sau một thời gian trầm lắng, đến nay, nhiều địa phương, như: Quảng Công, Quảng Thái, Phong Bình, Vinh Thái… xác định XKLĐ là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là con đường để nhiều gia đình thoát nghèo, làm giàu chính đáng nên tiến hành nhiều biện pháp để đẩy mạnh XKLĐ.
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh đã thực sự khởi sắc. Nếu năm 2016 chỉ trên 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, năm 2017 là 702 người, năm 2018 là 1.064 người thì tính đến cuối tháng 11 năm nay có 1.351 người, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 1.500 người trong năm 2019. Ngoài thị trường Nhật Bản (chiếm khoảng 85%) còn có các thị trường có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt, như: Hàn Quốc, Đài Loan, một số nước châu Âu, như CHLB Đức, Rumani…
Bà Đặng Thị Thùy Dương, Giám đốc phụ trách khu vực miền Trung, Công ty CP Vivaxan, vui mừng: “Hoạt động XKLĐ của công ty năm nay rất khả quan, đưa được 100 lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan, Rumani. Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu quả nên người này giới thiệu người kia, tạo nên sự lan tỏa và người lao động tự tìm đến công ty. Không như trước đây, chúng tôi phải đi tuyên truyền rất khó khăn. Với đà này, tôi tin tưởng công tác XKLĐ của tỉnh sẽ tốt hơn trong năm tới”.
Tạo nguồn nhân lực chất lượng
Điều chỉnh chỉ tiêu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019 cao hơn 1,5 lần so với kết quả năm 2018 và gấp đôi so với chỉ tiêu kế hoạch năm của HĐND tỉnh giao đầu giai đoạn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, hội đoàn thể triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh XKLĐ. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức để người dân nhận thấy hiệu quả mà công tác XKLĐ mang lại. Điều kiện kinh tế của những người đã và đang làm việc ở nước ngoài thay đổi, các vùng nông thôn khởi sắc về hạ tầng, điều kiện sống là kênh tuyên truyền hữu hiệu để phong trào XKLĐ lan tỏa trong xã hội.
Hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động được tổ chức thường xuyên ở địa phương và được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ để cùng với doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ giải quyết kịp thời các chính sách hỗ trợ, vướng mắc phát sinh cho người lao động, hạn chế tối đa những tiêu cực, từ đó gây dựng niềm tin của người dân đối với XKLĐ. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho tất cả người lao động có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được tiếp cận nguồn vốn.
Theo đánh giá của ông Đặng Quang Tý, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (SULECO), Thừa Thiên Huế là thị trường XKLĐ tiềm năng sẽ rất phát triển trong thời gian tới vì đã cho thấy hiệu quả tích cực với những người tham gia.
Không chỉ giúp nâng cao thu nhập sau thời gian đi làm việc ở nước ngoài, người lao động còn được nâng cao tay nghề, tiếp thu được công nghệ sản xuất mới và phương pháp quản lý tiên tiến, được rèn luyện tác phong và kỷ luật lao động công nghiệp, trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khi về nước. Ông Tý nhấn mạnh: “Đây là thời cơ vàng giúp Thừa Thiên Huế đào tạo nguồn lao động trẻ có tay nghề cao và tác phong chuyên nghiệp. Tỉnh cần có chính sách về việc làm cho lao động sau khi về nước để giữ chân họ ở lại phục vụ địa phương, bằng cách tìm kiếm các nhà đầu tư sử dụng nguồn nhân lực này”.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐTBXH cho hay, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xác định là hướng giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
“Thị trường tiếp nhận lao động được mở rộng, các đơn hàng tuyển chọn lao động đa dạng về ngành nghề, độ tuổi, trình độ, được hỗ trợ vay vốn ngân hàng…, vấn đề còn lại là người lao động chủ động học tập để nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, rèn luyện thể lực và có ý chí quyết tâm để lựa chọn con đường làm giàu chính đáng từ XKLĐ. Điều người lao động cần lưu ý là lựa chọn những công ty uy tín, đi theo con đường chính ngạch để tránh những rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài”, ông Phúc lưu ý.
Minh Hiền