Nụ cười Kimura. ảnh: TL

Theo chuyên gia cố vấn khởi nghiệp Phạm Duy Hiếu, Phó Chủ tịch Quỹ khởi nghiệp Doanh Nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bản chất của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm hai yếu tố: Giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội và chào đón sự trống rỗng, bế tắc để giải pháp sáng tạo nảy sinh. Tất cả mọi vấn đề đều có câu trả lời và việc của người khởi nghiệp là tìm ra nó. Do vậy, trước khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, ai cũng phải xác định cho được “nỗi đau” của xã hội đang cần giải quyết là gì và tìm ra cách giải quyết vấn đề đó.

Mặt khác, bất cứ sản phẩm đổi mới sáng tạo nào ra đời cũng qua 3 giai đoạn, gồm: Được coi là điên – Bị cho là tâm thần – Hiển nhiên thành công. Do vậy, bất cứ một người nào, nhất là các bạn trẻ khởi nghiệp, đều phải trải qua hành trình gai góc đó. Khó khăn nhất là khi bị cả xã hội “tấn công” bởi sự điên rồ trong ý tưởng, hành động của mình và phải vượt qua được. Rất nhiều người bị “bóp chết” khi còn trong trứng nước. Nhưng cũng không ít người vượt qua được và khởi nghiệp thành công.

“Steve Jobs chính là người đã khuyến khích tất cả nhân viên của Apple “hãy điên rồ đi” để có thể thay đổi thế giới. Chính Steve Jobs cũng là người khởi xướng văn hóa điên rồ trong môi trường làm việc của Apple, vì ông nhận ra rằng quá tỉnh táo thì thật khó để sáng tạo. Chỉ có điên rồ mới nghĩ ra những điều chưa ai nghĩ và làm những điều không ai dám làm. Cuối cùng, họ đã thành công”, ông Phạm Duy Hiếu minh chứng.

Trở lại câu chuyện quả táo của lão nông Kimura. Kimura đơn thuần chỉ là một nông dân kiên trì theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp không hóa chất. Cuộc hành trình của Kimura bắt đầu từ tình yêu ông dành cho vợ mình, người vợ luôn bị dị ứng mỗi lần khu vườn được phun thuốc bảo vệ thực vật. Thương vợ, ông luôn trăn trở cách có thể làm nông nghiệp tự nhiên trong vườn táo của gia đình. Kimura đã mất 11 năm kiên định với vườn táo không phun thuốc trừ sâu. Đồng hành cùng ông là sự đớn đau đơn độc khi bị cả cộng đồng quay lưng, cho là kẻ điên rồ đi ngược thực tế, gia đình nghèo túng và bị cả cộng đồng quay lưng. Nhưng ngay khi bế tắc đến mức phải tự tìm đến cái chết, lão nông Kimura đã tìm được cách để cứu vườn táo – tạo sự sống từ hệ sinh thái tự nhiên. Rằng, vấn đề của những cây táo không ở chỗ có cần dùng đến nông dược hay không mà ở đất trồng, ở mối quan hệ với thiên nhiên, với hệ sinh thái tự nhiên của chính nó.

Có hệ sinh thái tự nhiên, táo sống. Không thì ngược lại. Nhận ra điều đó, lão nông “điên rồ” nhất Nhật Bản ấy tìm lại được ý chí và bắt đầu tìm mọi cách để tái tạo nguồn sống tự nhiên cho vườn táo của mình. Nhờ thành công với tái tạo hệ sinh thái đó, những cây táo trong vườn nhà Kimura bắt đầu ra hoa, kết trái. Ban đầu, cả trăm gốc táo chỉ được hai quả, nhưng càng về sau đã càng nhiều hơn. Tuy chúng không to đều, bóng đẹp như vườn người ta, nhưng những trái táo được Kimura tạo nên thần kỳ đến nỗi cắt ra không bị thâm nâu, để hai năm không hư thối. Qua thời gian, vỏ táo chỉ hơi héo và vẫn tỏa mùi hương ngọt ngào như kẹo. Một phần ba lượng nước ép từ loại quả này được một chính trị gia mua trọn.

Khi được chia sẻ về câu chuyện quả táo của Kimura, một người trẻ khởi nghiệp đặt câu hỏi: Nếu ví von hành trình đơn độc đầy đau đớn của lão nông Kimura như một hành trình khởi nghiệp, vậy làm sao để người khởi nghiệp có thể có được “người vợ bị dị ứng nông dược” và sự bế tắc đến mức tự tìm đến cái chết, để có cơ hội đi đến thành công với quả táo thần kỳ? Và câu trả lời đã được chuyên gia cố vấn Phạm Duy Hiếu phân tích: Bản chất của đổi mới sáng tạo chính là: Hãy trở thành người giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội, chứ không phải là nạn nhân của nó. Đồng thời, hãy chào đón sự bế tắc để giải pháp được nảy sinh.

Chính Kimura đã nhận ra nỗi đau của chính mình là có một người vợ quá mẫn cảm với thuốc trừ sâu và ông giải quyết vấn đề đó bằng cách kiên định với việc không dùng thuốc trừ sâu cho cả vườn táo đến 800 gốc của gia đình. Hành trình ông đi không phải một tuần hay một tháng, mà cả chục năm trời, đến mức cả tinh thần và cuộc sống của gia đình kiệt quệ, bế tắc. Cuối cùng, thời khắc ông bế tắc và trống rỗng nhất, đến mức tìm đến cái chết thì ông đã tìm ra được câu trả lời cho vấn đề của mình. Và, những quả táo thần kỳ đến từ câu trả lời ấy đã xuất hiện, không phụ công người. Kimura cười: “Chắc thấy tôi ngốc nghếch quá thể nên cây táo cũng sốc quá mà cho quả”.

ĐỒNG VĂN