Bệnh thành tích là hiện tượng phô trương, thổi phồng thành tích, đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong một bộ phận cán bộ có chức quyền, cán bộ chủ chốt.

Những thành tích được tô vẽ, khuếch trương, những khuyết điểm được “cắt gọt”, làm giảm nhẹ hoặc bỏ qua, là “sản phẩm” của giả mạo, gian dối.

Đã có trường hợp, cán bộ lãnh đạo được khen thưởng, phong tặng danh hiệu cao, nhưng khi kiểm tra mới lòi ra những sai phạm nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố. Đó là hệ quả từ biến thể của thành tích giả, thành tích ảo, kết quả không thực chất nhằm làm lấy tiếng cho cá nhân.

Một số ngành bệnh thành tích bén rễ ăn sâu vào nhiều khâu, kết quả không có bao nhiêu nhưng được tô hồng, biến ảo bằng những con số. Chẳng hạn như thành tích của ngành giáo dục nhiều năm đã đưa ra những con số không thể tốt hơn. Số học sinh tốt nghiệp phổ thông, đại học, tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ lên lớp cao chót vót..., nhưng lại có tình trạng học hết tiểu học vẫn không biết đọc, biết viết; sinh viên ra trường không biết làm việc; số lượng người có học hàm, học vị cao nhưng không có sản phẩm khoa học áp dụng trong thực tế... Thời kỳ đồng chí Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phải đề ra khẩu hiệu “hai không”, “ba không”, nhưng cũng không thể xóa bỏ thành tích không thực chất trong mọi vấn đề.

Bệnh thành tích là mặt trái của thành tích đích thực. Thành tích giả, thành tích ảo, được ngụy tạo, thổi phồng, không phải từ nỗ lực phấn đấu của tập thể và cá nhân. Suy cho cùng đó là sự giả dối nhằm mục đích được khen, lăng xê cho cá nhân để đạt được thành tích, tạo đà thăng tiến nhanh chóng. Họ được khen thưởng bằng cách che giấu sai phạm, thay vào đó là những thành tích hào nhoáng được hợp thức hóa bằng những danh hiệu thành tích cao. Lãnh đạo đã chỉ đạo cấp dưới làm báo cáo “thành tích” của mình, của tập thể rồi tìm cách chạy cấp có thẩm quyền xét cho bằng được danh hiệu. Có nhiều cơ quan thành tích thực tế không nhiều nhưng chuẩn bị cho ngày thành lập, những dịp kỷ niệm quan trọng đã cố làm cho được báo cáo thành tích để “công bố” trong các buổi lễ, kèm theo những tấm huy chương, bằng khen và dĩ nhiên bao giờ lãnh đạo cũng có trong số đó.

Bệnh thành tích đã tâng bốc, lót đường cho thăng quan tiến chức của những kẻ gian dối, làm thui chột nhiệt huyết của những người làm việc chân chính, cống hiến thực sự, gây mất lòng tin của cán bộ, công chức và quần chúng Nhân dân. Lớn hơn là làm sai lệch những chuẩn mực xã hội, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần cho Đảng, Nhà nước. Một trong những nguyên nhân là từ sự quan liêu, thiếu kiểm tra chặt chẽ của cơ quan thẩm định, của lãnh đạo cấp trên. Khi duyệt khen thưởng chỉ dựa vào báo cáo mà thiếu kiểm tra thực tế, nhiều khi lại có tiêu cực trong xét duyệt, để bỏ qua những khuyết điểm, sai phạm. Trong một số quy định xét thi đua cuối năm hoặc các đợt thi đua, nhiều ngành cho phép tỷ lệ khen quá cao, cấp dưới dựa vào đó để bình xét số lượng tối đa, bất kể có thành tích thực sự hay không. Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định 91/2017/NĐ của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất cụ thể, rõ ràng, nhưng vẫn còn một số điều khoản chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để khen thưởng tràn lan, không đúng đối tượng.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ một trong những bệnh suy thoái của cán bộ, đảng viên là: Mắc bệnh háo danh, chạy thành tích, chạy danh hiệu, chạy khen thưởng... Làm méo mó kết quả thi đua. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”(năm 1947), Bác Hồ đã chỉ ra và cảnh báo những sai lầm của cán bộ, đảng viên đó là “bệnh thành tích”, Người gọi đó là “Bệnh hữu danh vô thực”. Những biểu hiện được Bác chỉ ra như: “Làm được ít suýt ra nhiều”, “Khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến”, “Chỉ nhắm hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”.

Bệnh thành tích không khó nhận diện, không dễ chữa trị nhưng không thể để tồn tại khi được coi đó là hiện tượng tiêu cực. Muốn chữa trị hiệu quả phải chống cho được thói tham thành tích, danh vọng của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Thủ trưởng cơ quan phải biết mình đang ở đâu, mức độ thành tích ra sao, không thể muốn là được khi không đủ độ chín. Mỗi thành tích của tập thể, cá nhân phải gắn với công nhận trên thực tế của cán bộ và Nhân dân. Xem đó là tôn vinh cao nhất, có giá trị nhất.

Trong phạm vi nào đó có thể điều chỉnh Luật Thi đua, khen thưởng theo hướng có tính định lượng, hạn chế khen thưởng niên hạn nếu không có thành tích nổi trội. Chống cho được nạn “chạy thành tích, chạy khen thưởng” như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ đạo.

NGUYỄN PHƯỚC YÊN