Học sinh tiểu học ở Phong Điền tham gia Ngày hội đọc sách
Từ mô hình thư viện thân thiện
Năm 2016, mô hình “Thư viện thân thiện” tại Trường TH Trần Quốc Toản (thị trấn Phong Điền) được đưa vào sử dụng, phát huy tác dụng trong việc tìm hiểu kiến thức cũng như nâng cao ý thức đọc sách trong các em học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản cho biết: Mô hình “Thư viện thân thiện” góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động đọc sách; xây dựng thói quen đọc sách cho cán bộ giáo viên và học sinh; nâng cao chất lượng dạy học, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Hiện, thư viện của nhà trường, gồm một phòng đọc rộng 100m2, có góc nghệ thuật, góc chơi cờ, góc thư giãn cùng với 7.572 đầu sách đẩy đủ các chủng loại sách, báo, truyện thiếu nhi, sách tham khảo cho giáo viên…
Trường TH Điền An (xã Phong An) là một trong số các trường TH trên địa bàn huyện Phong Điền làm tốt công việc này. Từ đầu năm học 2017 - 2018, nhà trường đã đưa tiết đọc sách vào chương trình học chính khóa, mỗi tuần tất cả học sinh của các khối lớp đều có tiết đọc sách ngay tại thư viện nhà trường. Thầy Nguyễn Đại Ánh, Hiệu trưởng Trường TH Điền An chia sẻ: “Thói quen đọc sách đã góp phần hình thành một thế hệ mới có thói quen đọc sách, từ đó góp phần tích lũy tri thức, hình thành nhân cách cho các chủ nhân tương lai của đất nước”.
Việc đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách dưới nhiều hình thức như “Thư viện lớp học”, “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”… cách bố trí, sắp xếp sách có khoa học cũng đã đem lại hiệu quả cao, phát huy hiệu quả công tác dạy và học trong các nhà trường.
Cô Nguyễn Thị Thủy, nhân viên thư viện Trường TH Điền An cho hay: “Việc bố trí hợp lý trong không gian thư viện thân thiện, gần gũi cùng hơn 6.000 đầu sách, quy trình mượn sách cũng đơn giản hơn rất nhiều nên các em học sinh rất thích mượn sách và tham gia đọc sách”.
Hình thành thói quen đọc
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền cho biết: “Nhằm nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền chỉ đạo các trường TH trên địa bàn đặt các loại sách, báo, tạp chí phù hợp với lứa tuổi các em học sinh, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của “văn hóa đọc” giúp các em có thói quen đọc sách, ghi nhớ, tư duy trong việc học tập”.
Năm học 2019 - 2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo Phong Điền tiếp tục khuyến khích nhân rộng các mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện” tới tất cả các trường TH trên địa bàn. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp phụ trách thư viện để nâng cao nghiệp vụ công tác thư viện, giúp các thư viện hoạt động hiệu quả, tạo hứng thú và thu hút ngày càng đông học sinh tham gia đọc sách.
Xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, phải chăng nên bắt đầu từ việc đưa đọc sách thực sự trở thành một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông. Vừa có khuyến khích, vừa là bắt buộc đối với cả thầy lẫn trò thì mới có thể tạo thành thói quen dạy và học đọc.
Bài, ảnh: Tiến Dũng