Nhu cầu than toàn cầu sẽ tiếp tục ổn định trong 4 năm tới. Ảnh minh hoạ: thehansindia/TTXVN/Vietnam+

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh, than vẫn là nguồn năng lượng chính trên khắp khu vực Đông Nam Á, nơi mà sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã thúc đẩy nhu cầu năng lượng tăng vọt.

Các khu vực ven biển trên khắp Đông Nam Á vừa chứng kiến những trận ​​lũ lớn và sự xâm nhập của nước biển liên quan đến biến đổi khí hậu. "Nhu cầu than toàn cầu đã tăng trở lại kể từ năm 2017", IEA khẳng định trong một báo cáo.

"Mặc dù nhu cầu than có khả năng sụt giảm trong năm 2019, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu về nguồn năng lượng này sẽ duy trì sự ổn định rộng rãi cho đến sau năm 2024", cơ quan có trụ sở tại thủ đô Paris của Pháp cho biết thêm.

Được biết, than là nguồn năng lượng chính được sử dụng để tạo ra điện và chiếm hơn 40% lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng. Than cũng được sử dụng rộng rãi để sản xuất thép và xi măng.

Châu Âu và Hoa Kỳ đang trở nên ít phụ thuộc hơn vào than. Trong khi đó, việc sử dụng loại năng lượng này đang gia tăng ở khu vực châu Á, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc, những nhà sản xuất và sử dụng than lớn nhất thế giới.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA nhận định: "Các nhà máy nhiệt điện than ở khu vực châu Á còn khá trẻ, có trung bình 12 năm tuổi. Vì vậy, chúng vẫn có thể hoạt động trong nhiều thập kỷ".

Cũng theo ông Fatih Birol, sẽ cần đến các công nghệ như thu hồi, sử dụng và lưu giữ carbon (CCUS), một công nghệ giúp thu hồi và lưu trữ CO2 nhằm ngăn loại khí này thải ra khí quyển. Hiện tại, có rất ít dự án CCUS đang hoạt động.

"Việc áp dụng CCUS tại nhiều nhà máy điện của khu vực châu Á sẽ là điều cần thiết để đưa thế giới đi theo lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu quốc tế về khí hậu, chất lượng không khí và tiếp cận năng lượng", Giám đốc điều hành IEA nhấn mạnh.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)