Cảm biến vân tay vẫn còn nhiều hạn chế

Riêng phân khúc cao cấp của Samsung, bốn phiên bản Galaxy S10 và Note10 đều tích hợp cảm biến vân tay dưới màn hình, thay thế cho kiểu phím cảm ứng ở mặt lưng như các thế hệ trước. Ở phân khúc tầm trung và cận cao cấp, số điện thoại được Samsung trang bị tính năng này còn nhiều hơn. Tầm giá 10 triệu đồng có Galaxy A80 và Galaxy A70. Thậm chí, Galaxy A30s, có giá chỉ hơn 5 triệu đồng, cũng sử dụng công nghệ bảo mật mới.

Cảm biến này xuất hiện nhiều nhất trên các smartphone của các công ty Trung Quốc như Huawei, Oppo, Xiaomi, Vivo hay Realme. So với Samsung, sản phẩm của các thương hiệu này có giá thấp hơn, như Mi A3 được bán chưa tới 4 triệu đồng. Cảm biến vân tay dưới màn hình đang được các nhà sản xuất và bán lẻ nhắc đến như một trong những tính năng nổi bật trên smartphone 2019.

Thực tế, công nghệ này còn mới mẻ, mới chỉ được thương mại hoá trên điện thoại từ nửa cuối 2018. Thậm chí, tới triển lãm CES đầu năm ngoái, giới công nghệ mới bắt đầu trải nghiệm công nghệ này ở một vài mẫu thử.

Cảm biến dưới màn hình đem lại lợi ích cho cả người dùng lẫn nhà sản xuất. Với người dùng, vị trí đặt cảm biến giúp cho mở khoá thuận tiện hơn so với đặt ở mặt lưng. Trong khi đó, các nhà sản xuất có thể thiết kế smartphone bắt mắt hơn nhờ giấu được bộ đọc vân tay vào phía trong, tạo thiết bị có màn hình tràn viền rộng hơn, không phải hy sinh các vùng khuyết lớn như cảm biến nhận diện khuôn mặt 3D.

Trong 2019, hầu hết các smartphone vẫn sử dụng cảm biến vân tay dưới màn hình dạng cảm biến quang học nhờ chi phí linh kiện thấp. Phương thức này giúp tốc độ quét nhanh hơn nhưng gặp khó khi ngón tay ướt và thiếu an toàn do dữ liệu quét là 2D. Một số smartphone cao cấp sử dụng cảm biến siêu âm, cho phép ghi lại dữ liệu dạng 3D, hoạt động cả khi ngón tay ướt và có độ bảo mật cao hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cảm biến loại này vẫn thiếu an toàn.

Cuối tháng 10, một số ngân hàng tại Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam buộc phải ngừng hỗ trợ tính năng đang nhập bằng vân tay trên các mẫu Galaxy cao cấp của Samsung. Trước đó, một số thử nghiệm từ người dùng và các kênh truyền thông cho thấy cảm biến vân tay dưới màn hình dạng siêu âm có thể bị qua mặt dễ dàng, cho phép người lạ đăng nhập và sử dụng thiết bị đã bị khoá.

"Quá chậm", "thiếu chính xác" hay "khó nhận diện với tay có mồ hôi, hơi ướt" hay "sau một thời gian lại phải đăng ký lại" là những đánh giá về cảm biến vân tay dưới màn hình của người dùng trên các diễn đàn, nhóm công nghệ.

Trang Android Central còn nhận định "cảm biến vân tay dưới màn hình quá tệ, hãy vứt nó đi" sau khi trải nghiệm trên một mẫu smartphone cao cấp ra đầu năm 2019. Họ cho rằng nó chậm chạp và thiếu chính xác. Trong khi đó, XDA-Developer cũng đánh giá một số cảm biến dưới màn hình dễ bị qua mặt và thiếu an toàn khi dùng trong bảo mật.

Bên cạnh đó, hai "gã khổng lồ" Apple và Google chưa mặn mà với công nghệ này. Bộ ba iPhone 11 trong 2019 tiếp tục sử dụng cảm biến nhận diện khuôn mặt 3D Face ID dù bị phàn nàn vì thiết kế "tai thỏ" chiếm diện tích hiển thị của màn hình. Còn Google Pixel 4 và 4 XL đã loại bỏ cảm biến vân tay vật lý, nhưng chuyển sang dùng cảm biến nhận diện khuôn mặt.

Công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình hứa hẹn có những thay đổi lớn và cải tiến rõ rệt trong 2020. Đầu tháng 12, Qualcomm, hãng sản xuất chip di động Mỹ, đã trình làng cảm biến 3D Sonic Max. Dù chưa cải thiện được tốc độ so với cảm biến siêu âm hiện tại, vùng quét vân tay đã mở rộng ra gấp đôi, cho phép dùng hai vân tay cùng lúc và tăng cường độ bảo mật.

Theo vnexpress.net