Nhà văn, họa sĩ Lê Minh Phong (trái) giới thiệu các tác phẩm hội họa tại triển lãm của mình

Trong cuộc trò chuyện giữa cái nắng se lạnh trời Huế chiều cuối năm với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, anh nói: “Có thể, với những tác giả khác đôi khi con người và thế giới nghệ thuật của họ không hoàn toàn trùng khít. Nhưng với tôi thì tất cả những gì tôi làm trong nghệ thuật đều phản ánh nội tâm của tôi, đều mang sắc thái tinh thần và thực tiễn đời sống của tôi”.

Người ta biết đến Lê Minh Phong trên văn đàn với những truyện ngắn, tiểu thuyết ám ảnh về thân phận con người. Đời thường và văn chương của anh có mối liên kết khó tách rời?

Đúng là thế giới nghệ thuật của tôi đôi khi u ám, các nhân vật luôn bị vây khốn, những giấc mơ bị mắc kẹt, nhưng không hẳn tất cả đều thiếu ánh sáng. Ngầm ẩn dưới những tác phẩm ấy bạn sẽ thấy tôi luôn hướng đến ánh sáng. Nghệ thuật không được phép gieo rắc năng lượng tiêu cực. Mà ngược lại, cái cuối cùng của nghệ thuật là truyền tải những thông điệp tích cực dù nó được biểu hiện qua những gam màu xám đi chăng nữa. Với một người làm nghệ thuật, đôi khi những nỗi buồn mà họ đang mang vác lại trở thành năng lượng để họ bước đi, để họ thăm dò tới những vùng đất chưa được nhìn thấy ở nội giới của con người.

Không chỉ nổi tiếng với vai trò nhà văn, những năm gần đây anh rẽ hướng sang hội họa và điêu khắc với những tác phẩm gây được tiếng vang trong giới nghệ thuật. Cơ duyên nào đã đưa anh rẽ lối như thế?

Nghệ thuật cũng như cuộc đời, là một con sông dài. Để mô tả con sông ấy, tôi nghĩ đôi khi một lĩnh vực nghệ thuật là không thể kham được. Mỗi lĩnh vực nghệ thuật đều có những ưu nhược điểm trong việc tiếp cận với thế giới bên trong hay thế giới bên ngoài. Văn chương cho ta những câu chuyện để kể, hội họa cho chúng ta những ý niệm về cuộc sống. Có những điều tôi không thể hiện được trong văn chương tôi lại thể hiện chúng qua hội họa, và ngược lại.

Không một ngày ngồi ở giảng đường của trường nghệ thuật. Việc thực hành có gặp nhiều khó khăn với anh trên hành trình theo đuổi con đường của mình?

Tôi là một họa sĩ tự học, trước tôi nhiều họa sĩ tự học khác cũng đã rất thành công. Nếu như ở trường học, chắc có lẽ sinh viên sẽ được học những môn học bổ trợ cho kỹ năng thực hành cũng như những cẩm nang để khám phá thế giới... Vì thế, việc không được học ở trường học khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Tôi đã trải qua thời gian dài để tìm hiểu về chất liệu, sự tương tác giữa các chất liệu để biết tôi phù hợp với chất liệu nào và cách tạo hình nào. Bên cạnh đó, việc tiếp cận được thị trường mỹ thuật với tôi lại càng khó khăn hơn.

Ai là người ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự nghiệp sáng tác của anh, vì sao?

Tôi đã học hỏi được rất nhiều ở những người khác về cách họ ứng xử với nghệ thuật hay ứng xử với cuộc sống. Nhưng có lẽ người ảnh hưởng tới tôi nhất là nhà văn Jorge Luis Borges. Ông là một trong những nhà văn lớn nhất của thể kỷ XX. Ông có quá nhiều thứ vượt khỏi tầm hiểu biết, nhận thức của tôi. Jorge luôn linh hoạt, san phẳng các biên giới, và là người biết cách chơi đùa với những giấc mơ và đồng thời, luôn kín đáo, bí ẩn...

Anh nghĩ sao khi có nhận định “xem tranh của anh chẳng khác gì đọc một cuốn truyện, do anh viết”?

Có thể đó là một nhận định của một cá nhân, và tôi tôn trọng nhận định ấy. Nhưng xét trên nhiều phương diện của nghệ thuật thì nhận định ấy không hoàn toàn hợp lý. Bởi văn học và hội họa là hai loại hình nghệ thuật khác nhau.

Một tác phẩm văn học người ta cần tới một câu chuyện để kể, một hệ thống nhân vật và kỹ thuật tự sự cần được xử lý một cách khéo léo để đạt được hiệu quả cao nhất. Với một bức tranh, nếu chúng ta chú trọng vào câu chuyện để kể, ý tưởng chủ quan của tác giả quá nhiều chắc chắn bức tranh ấy sẽ khó có một đời sống tự thân của nó. Đôi khi một bức tranh chúng ta chỉ cần cảm nhận, sự cảm nhận này không nhất thiết nằm ở sự hiểu của lý trí, chúng ta lặng im cảm nhận và rồi hiệu quả thẩm mỹ sẽ tới trong sự cảm nhận chân thành đó.

Rất nhiều tác phẩm của anh đã được săn đón từ khi còn phác thảo. Cảm giác của anh thế nào?

Để những tác phẩm của mình có một chỗ đứng khiêm nhường trong thị trường nghệ thuật là cả một nỗ lực rất lớn của tôi. Những năm đầu tranh của tôi gần như không bán được, nhưng tôi vẫn làm việc không ngừng. Tôi nghĩ rằng, với một người thực hành nghệ thuật, có thể khi vẽ một bức tranh, hai bức tranh, thậm chí là hàng chục bức tranh đi chăng nữa vẫn không có ai mua là điều hết sức bình thường, nhưng khi người đó đã vẽ tới cả trăm bức, vài trăm bức hay cả một ngàn bức thì không thể không gây chú ý đối với các nhà sưu tầm. Khi một họa sĩ có một số lượng tác phẩm lớn, có một lối ngôn ngữ riêng, có một thế giới để khai triển... thì buộc người ta sẽ đặt những câu hỏi xung quanh những gì mà người họa sĩ đó làm.

Nhà văn, họa sĩ Lê Minh Phong (sinh năm 1985, quê Hà Tĩnh), tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn Trường đại học Sư phạm, ĐH Huế và hiện đang làm việc tại Tạp chí Sông Hương. Không chỉ thành công với con đường văn chương, những năm gần đây anh rất thành công khi rẽ lối sang hội họa, điêu khắc. Ngoài những triển lãm chung, anh có hai triển lãm cá nhân “Bên trong” (2015), “Nối tiếp” (2018) ở Viện Pháp tại Huế. Mỗi triển lãm là một quá trình thực hành các series khác nhau, thể hiện khát vọng chạm được vào tâm thức của con người hiện đại, một kiểu dạng tâm thức dường như đứng ngoài mọi diễn giải của ngôn ngữ hiện tại.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

PHAN THÀNH (Thực hiện)