Khu mua sắm Ueno ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thu hẹp trong năm 2019, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, khi giá trị và khối lượng thương mại trong khu vực này đang giảm dần.

Cụ thể, tổng khối lượng xuất khẩu giảm 2,5%, trong khi khối lượng nhập khẩu giảm 3,5%.

Các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ như Iran, Indonesia, cũng như Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất về khối lượng xuất khẩu.

Trong đó, thương mại hàng hóa ở khu vực này cũng phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh mẽ trong giai đoạn 2018-2019, gây ra bởi sự suy giảm về tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới và những căng thẳng thương mại leo thang.

“Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thách thức chính là tăng cường thương mại và tăng cường hội nhập kinh tế để hỗ trợ sự phát triển bền vững”, Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc kiêm Thư ký điều hành UNESCAP, bà Armida Salsiah Alisjahbana cho hay; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương nhằm củng cố tăng trưởng thương mại trong tương lai.

Đối với các dịch vụ thương mại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương một lần nữa vượt trội so với phần còn lại của thế giới trong năm 2019. Tăng trưởng được dự báo sẽ tương đối chậm hơn vào năm 2020; trong đó, dịch vụ vận tải, các dịch vụ kinh doanh và dịch vụ liên quan đến hàng hóa khác sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngoài ra, triển vọng trung và dài hạn đối với thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông và kinh doanh vẫn tươi sáng, được hỗ trợ bởi những tiến bộ công nghệ.

Thanh Ngân (Lược dịch từ UNESCAP)