Nhà máy nước Huế (La Dépêche coloniale illustrée,1911)

Tinh thần đó được hiện thực hóa nhờ đội ngũ quan lại trí thức cấp tiến, được đào tạo và ảnh hưởng Tây học, mang lại nhiều thành tựu nổi bật như Quốc lộ 1, đường sắt - Ga Huế, cầu Trường Tiền, Trường Quốc Học, Trường Kỹ nghệ thực hành, Bệnh Viện Huế, Nhà máy vôi thủy Long Thọ... Đề cương chiến lược văn minh hóa đô thị Huế - xứ An Nam được vạch ra chi tiết, để các vị hoàng đế kế nhiệm từng bước thực hiện, như trường hợp nhà máy nước Huế thời Thành Thái - Duy Tân.

Đề xuất dự án xây dựng Nhà máy nước Huế có từ sớm bởi nhà thầu Lyard đã tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đấu thầu. Những thông số kỹ thuật từ hồ sơ dự thầu dự án Nhà máy nước Huế đã được phê duyệt ngày 12/7/1907 chính là căn cứ quan trọng để Toàn quyền Đông Dương ấn định ngân khoản 1.404.000 francs để xây dựng công trình này (Nghị định 170, 30/6/1910,Công báo Trung kỳ, 1910, số 14). Trong thư đề ngày 17/2/1908, ông Lyard đã đề xuất với Tổng Thanh tra Công chánh M.Boutteville xin thay thế để cung cấp thiết bị bao gồm ứng dụng hoàn chỉnh hệ thống Puech-Chabal (hệ thống lọc mang tên hai kỹ sư tác giả Armand Puech, Henri Chabal). Thuyết minh dự án và văn bản nhận thầu của ông Lyard (14/5/1908) đã đến Ủy ban đấu thầu trong phiên họp của Ủy ban thường vụ ngày 11/6/1908 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4).

Ngày 16/2/1909, ông Lyard nhận được thư của ông Boutteville cho biết, phái đoàn của Toàn quyền Đông Dương đã chấp thuận việc đề xuất các quy định mới cho hệ thống lọc nước ở Huế. Những tranh luận về việc thay đổi thiết bị, kết cấu trong hệ thống này kéo dài mãi cho đến việc ký biên bản ngày 5/1/1911, tuyên bố chấp nhận tạm thời toàn bộ việc lắp đặt cho hệ thống cấp nước của thành phố Huế. Toàn Quyền Đông Dương đồng ý bổ sung khoản tín dụng 52.035frans 25 cho công trình xây dựng này (Nghị định 171,30/6/1910, Công báo Trung kỳ, 1910, số 14). Khâm sứ Trung kỳ cho phép thiết lập tuyến điện thoại từ Nhà máy nước đến các bể chứa - lọc (Nghị định 224, 20/10/1910, Công báo Trung kỳ, 1910, số 18), lập ủy ban phụ trách kiểm soát vệ sinh trong hoạt động lắp đặt hệ thống cấp nước (Nghị định 233, 08/10/1910, Công báo Trung kỳ, 1910, số 19) và ủy ban lễ tân lâm thời trong quá trình xây dựng nhà máy (Nghị định 234, 08/10/1910, Công báo Trung kỳ, 1910, số 19).

Thi công đường ống nước qua cầu Thành Thái  (La Dépêche coloniale illustrée,1911)

Cũng cần nhấn mạnh vai trò nhà thầu xây dựng của anh em Félix Lyard và Francois Lyard, nhất là Francois Lyard, chuyên xây dựng hệ thống cấp nước và vệ sinh. Ông sinh ngày 4/7/1874 tại Saint-Denis-en-Bugey (Ain, miền Đông nước Pháp), đến Đông Dương năm 1901, Giám đốc Công ty Điện lực Đông Dương, về sau chuyển vào làm nhà thầu xây dựng Nhà máy nước Huế. Ông kết hôn với bà Marie-Rosine-Valentine Simond ngày 31/12/1913 tại Hà Nội.

Điểm đặc biệt là mối quan hệ khắng khít giữa Bệnh viện Huế, Sở Y tế Trung kỳ, Viện Pasteur Sài Gòn với sứ mệnh chăm lo sức khỏe, nâng cao đời sống cư dân miền Trung để khẳng định tầm quan trọng của Nhà máy nước Huế. Năm 1910, khi thành lập phòng thí nghiệm vi trùng học, bác sĩ Bernard - thầy thuốc quân đội hạng 2 được biệt phái đến sở Công chánh tại Huế, để khảo nghiệm chuyên môn để tiếp thu việc xây dựng các máy lọc nước ở Huế theo hệ thống Puech - Chabal. Đó là tiền đề cho việc ra đời Viện vệ sinh Dịch tễ Trung kỳ (Nghị định 321, 18/11/1913), gồm ban vi trùng học và ban hóa học, hoạt động có hiệu quả (Công báo Đông Dương, 1913, số 11). Nhờ vậy, vấn đề nước uống, nước sạch đô thị rất được quan tâm, với nhiều đợt khảo sát, kiểm nghiệm chất lượng nước, như nội dung báo cáo ngày 14/11/1913 về tình hình nước máy ở các đô thị Trung kỳ; văn bản số 152P ngày 24/6/1937 của Sở y tế Trung kỳ cũng cung cấp nhiều thông tin về việc phân tích nước ở Huế, các tỉnh miền Trung.

Chính nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên mà sông Hương thực sự đã cung cấp nguồn nước qúy giá cho Nhà máy nước Huế, được xây dựng ở gần lăng vua Tự Đức. Nhà máy được xây dựng bằng cách lưu thông đơn giản ở giữa sông, trong một buồng nước ngầm dưới lòng đất, gần máy bơm. Nước được được hút lên một bể chứa có mái che, trước khi được bơm đến bể chứa thì nước đã thấm cạn trong những bình lọc của hệ thống Puech-Chabal. Bể này đã được đặt ở vị trí có độ cao không dưới 8m để tạo áp suất vừa đủ mạnh để đưa nước đến khắp thành phố. Lượng nước phân bổ được tính toán, dự báo có sự gia tăng trong tương lai, từ 25% cư dân Huế và từ 50% số người châu Âu. Từ năm 1911, lượng nước chia cấp cho mỗi thành phần dân cư được tính theo mức 500 lít/ngày (Người châu Âu, dân sự, hành chính), 200 lít (quân nhân, hạ sĩ quan), 40 lít (người châu Á) và riêng hoàng cung khoảng 200m3/ngày, với tổng ước tính lượng nước rò rỉ, hao hụt khoảng 30% (La Dépêche coloniale illustrée,1911).

Với những thành tựu nổi bật từ đầu thế kỷ XX, có thể coi Nhà máy nước Huế là một thiết chế quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng sống vì sức khỏe cộng đồng trên bước đường văn minh - đô thị hóa theo hướng Âu hóa ở Huế, như một trường hợp tiêu biểu trên khắp dải đất miền Trung. Đó chính là sứ mệnh văn minh thiêng liêng, cao cả của Nhà máy nước Huế từ đầu thế kỷ XIX đến nay.

Trần Đình Hằng