Tình trạng ngày càng xấu đi

Trong lúc các cam kết, thỏa thuận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) không đạt được kết quả khả quan, khói mù đã quay trở lại bao phủ thành phố Bangkok (Thái Lan) với chỉ số bụi mịn PM2.5 vượt quá mức an toàn ở một số khu vực. Không chỉ riêng Bangkok, ở New Delhi (Ấn Độ), tình trạng khói mù độc hại đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi tầm nhìn giảm do nhiệt độ lạnh và tốc độ gió thấp cho phép các chất ô nhiễm chết người lơ lửng trên không trung.

Trước đó, Sydney (Australia) cũng bị bao phủ bởi khói mù do ảnh hưởng từ cháy rừng nghiêm trọng. Điều này khiến phần lớn các hoạt động ngoài trời tại đây đều phải bị hủy bỏ để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Được biết, nồng độ các chất ô nhiễm có hại trong khí quyển tại Australia cao gấp 10 lần so với mức nguy hiểm.

Tác động và nhận thức

Về tác động đến sức khỏe, giới chuyên gia khẳng định, khủng hoảng khí hậu cũng chính là khủng hoảng về sức khỏe.

Có thể nói, ô nhiễm không khí là một dạng thuốc lá mới với tỷ lệ tử vong gây nên cao tương đương với hậu quả của thuốc lá. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất bao gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu.

Bên cạnh những tác động mạnh mẽ đến sức khỏe con người, tổn thất về kinh tế cũng rất khổng lồ và đang gia tăng. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng, các vụ cháy rừng hoàn hành trên khắp Indonesia trong giai đoạn từ tháng 6 – tháng 10/2019 đã khiến nước này tổn thất 5,2 tỷ USD, tương đương 0,5% tổng sản phẩm quốc nội.

Trong năm nay, hơn 942.000 ha đất và rừng đã bị thiêu rụi, 900.000 người được báo cáo mắc các bệnh về đường hô hấp, 12 sân bay phải đóng cửa do ảnh hưởng tầm nhìn và hàng trăm trường học ở Indonesia, Malaysia và Singapore phải đóng cửa tạm thời do ô nhiễm khói mù độc hại.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng làm nhiệt độ tăng cao và mực nước biển tăng lên nhanh chóng. Trong nông nghiệp, ước tính nhiệt độ cứ tăng 1oC sẽ làm tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 1,3% và giảm 10% năng suất cây trồng...

Cùng là những tác nhân gây hại, song với ảnh hưởng của khói thuốc đến người sử dụng và mọi người xung quanh, từ trước đến nay có rất nhiều chiến dịch vận động hành lang và quảng cáo yêu cầu thắt chặt quản lý của ngành công nghiệp này. Trên toàn cầu, giới chuyên gia và lãnh đạo các nước cũng đã nỗ lực bằng mọi giá, buộc các công ty sản xuất, buôn bán thuốc là phải thừa nhận: Hút thuốc lá là giết chết cơ hội sống lâu dài.

Tuy nhiên, phản ứng của con người lại hoàn toàn khác khi biết rằng ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu gây nên do nhiên liệu hóa thạch cũng nguy hiểm chết người không kém.

Câu hỏi được đặt ra là chính phủ các nước đã làm những gì, đưa ra những chính sách nào để ngăn chặn sự phát triển của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, cũng như chấm dứt khoản trợ cấp trị giá 370 tỷ USD/năm cho các công ty sản xuất than, dầu và khí đốt. “Tại sao chúng ta phải trả tiền cho một sản phẩm đang giết chết chúng ta” – đây chính là câu hỏi đánh thức nhận thức và hành động của con người về vấn đề thúc đẩy đối phó với ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu.

Lựa chọn hành động

Trước những phản ứng mạnh mẽ của thế giới, một số tổ chức tài chính đa phương đã và đang nắm bắt cơ hội hướng đến thay đổi. Cụ thể, gần đây, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) tuyên bố sẽ chấm dứt hoàn bộ tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó sẽ đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo.

Có thể nói, lựa chọn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch hoặc tiếp tục sống cuộc sống với những vấn đề về ô nhiễm, khủng hoảng môi trường như hiện tại chính là sự lựa chọn giữa sống và chết.

Điều này có nghĩa các nước, các tổ chức quốc tế phải lựa chọn sẽ ngăn chặn 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm bằng cách cung cấp nguồn không khí sạch, năng lượng sạch cho mọi người, hoặc chẳng làm gì cả; hoặc tăng cường quản lý vấn đề phát thải từ phương tiện giao thông để cứu sống 4 triệu trẻ em khỏi chứng hen suyễn mỗi năm, hoặc không làm gì cả....

Tương lai, sức khỏe của mỗi trẻ em của thế hệ tương lai hoàn toàn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những quyết định mà chúng ta đưa ra và thực hiện về biến đổi khí hậu hiện nay và trong những năm tới. Đây chính là lý do vì sao WHO đặt biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên của tổ chức.

Khẩn cấp xác định ưu tiên và triển khai hành động

Biến đổi khí hậu nên là ưu tiên của tất cả các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức đa phương. Hành động ngay bây giờ để giảm lượng khí thải CO2, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,5oC so với mức tiền công nghiệp sẽ đảm bảo hành tinh vẫn là nơi phù hợp để sinh sống cho thế hệ tương lai và cứu sống được ít nhất 1 triệu người/năm.

Hơn nữa, tại các quốc gia tiên tiến như Mỹ và Anh, loại bỏ ô nhiễm không khí sẽ giúp các nước tiết kiệm cho nền kinh tế 4% GDP mỗi năm sử dụng cho các chi phí chăm sóc sức khỏe...

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, nhiều chính phủ đã đáp lại lời kêu gọi của WHO nhằm hướng đến đạt được chất lượng không khí an toàn cho người dân và điều hướng chính sách về biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí vào năm 2030. Động thái thể hiện một bước tiến đáng khích lệ. Lúc này, những quốc gia chịu gánh nặng về sức khỏe gây nên bởi ô nhiễm không khí cần phải khẩn trương loại bỏ tác nhân gây hại càng sớm càng tốt. Tổ chức WHO cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy hành động về vấn đề này, đồng thời hợp tác với các ban ngành liên quan để thực hiện hành động tương tự.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến rất phức tạp và tác động tàn phá của chúng đang tăng chóng mặt, hi vọng nhận thức và hành động của con người sẽ nhanh chóng xuất hiện trước khi quá muộn.

HẠNH NHI

Lược dịch từ Bangkok Post & CNA)