Bán thịt lợn an toàn tại chợ Bến Ngự

Nguy cơ thiếu trầm trọng

Chị Trần Thị Trâm ở xã Phú Thượng (Phú Vang) cho rằng, thịt lợn là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, nhất là vào dịp tết cổ truyền. Từ việc gói các loại bánh chưng, bánh tét… đến các mâm cổ cúng tổ tiên, ông bà đều không thể thiếu thực phẩm thịt lợn. Điều chị Trâm lo lo lắng không chỉ giá thịt lợn đang tăng cao mà còn có khả năng thiếu hụt.

Đợt dịch TLCP vừa qua khiến đàn lợn trên địa bàn xã Phú Thượng cũng như nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh giảm sút mạnh. Một phần do lợn bị dịch buộc phải chôn hủy, phần người dân lo ngại lợn bị nhiễm bệnh phải bán tháo nên hiện nay, nguồn lợn trên địa bàn tỉnh rất khan hiếm. Trong khi nhiều năm trước, tại thời điểm này đàn lợn trên địa bàn tỉnh dao động trên dưới 200 ngàn con thì nay chỉ còn chừng hơn 50 ngàn con.

Nhiều năm trước tuy không có dịch nhưng toàn tỉnh vẫn phải nhập một số lượng lớn lợn thịt ở các tỉnh khác vào tiêu thụ trong dịp tết cổ truyền. Tuy nhiên năm nay, không chỉ trên địa bàn tỉnh bị dịch mà còn nhiều tỉnh trên cả nước cũng lâm vào cảnh tương tự nên nguồn sản phẩm cả nước nói chung sẽ thiếu hụt. Điều này sẽ khiến việc nhập nguồn lợn thịt vào tiêu thụ dịp tết năm nay trên địa bàn tỉnh cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Dự báo của cơ quan chức năng, tết năm nay toàn tỉnh có nguy cơ thiếu hụt khoảng 50% so với nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Tiêu độc, khử trùng trước khi qua chốt kiểm dịch

Ngay từ thời điểm này, nguồn sản phẩm thịt lợn trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu khan hiếm khiến giá tăng vọt, bất thường so với nhiều năm trước. Giá lợn hơi nhập các tỉnh về lò giết mổ tập trung Bãi Dâu tăng so với tuần trước khoảng 10%, với mức 85 ngàn đồng/kg. Trong khi đó giá mua lợn hơi F1 trong dân dao động từ 80-83 ngàn đồng/kg. Dự báo, giá lợn hơi cũng như sản phẩm sau giết mổ sẽ còn tăng trong thời gian đến, nhất là trong dịp tết.

Thạc sỹ Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ-Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh khẳng định, trong điều kiện dịch TLCP hoành hành, đàn lợn giảm mạnh thì việc thiếu nguồn sản phẩm thịt lợn khan hiếm, có nguy cơ thiếu là điều khó tránh khỏi. Ngay cả khi nhập thêm sản phẩm từ các tỉnh khác cũng không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết. Cơ quan chức năng hiện đang khảo sát, đánh giá tổng sản lượng thịt lợn trên địa bàn và nhu cầu tiêu thụ để có giải pháp nhập từ các tỉnh khác.

Sẽ giám sát chặt chẽ

Điều đáng lo là phần lớn các tỉnh, thành trên cả nước đều bị dịch TLCP nên việc tìm hiểu, lựa chọn địa phương đảm bảo nguồn cung cũng như sản phẩm an toàn để nhập về khá phức tạp. Tiêu chí trước mắt được các cơ quan chức năng hướng đến là nhập nguồn lợn thịt từ các trang trại, gia trại an toàn tại các tỉnh, thành không có dịch. Nếu số lượng lợn tại các tỉnh này vẫn không đáp ứng nhu cầu sẽ tiếp tục mở rộng nhập thêm tại các tỉnh khác.

Vấn đề an toàn thực phẩm sẽ được ngành thú y tỉnh quan tâm, giám sát chặt chẽ. Theo ông Trần Quốc Sửu, nguồn lợn hơi cũng như sản phẩm đã giết mổ trước khi đưa vào thị trường tỉnh tiêu thụ phải có đầy đủ các thủ tục kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Lợn trước khi đưa vào các lò giết mổ được kiểm tra dịch bệnh, khỏe mạnh; sau khi giết mổ phải đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y mới xuất bán trên thị trường.

Gia trại lớn hiếm hoi còn sót lại tại Phú Vang

Từ thời điểm này cho đến trước, trong và sau tết, Chi cục Chăn nuôi-Thú y huy động toàn bộ lực lượng, phối hợp với các quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức chốt chặn, tuần tra, giám sát các phương tiện vận chuyển, lưu thông lợn sống, sản phẩm thịt lợn đi qua địa bàn tỉnh cũng như đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Các phương tiện trước khi qua chốt được tiêu độc, khử trùng và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và các thủ tục kiểm dịch.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y thông tin, từ nay đến sau tết, lực lượng thú y phối hợp với quản lý thị trường, công an tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ và kinh doanh sản phẩm thịt lợn tại các chợ trên địa bàn tỉnh để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Ông Hưng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn mua sản phẩm thịt lợn tại các chợ, địa điểm mua bán có uy tín, quy mô lớn. Khi phát hiện sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh, người dân cần thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng xử lý.

Tính đến thời điểm này, dịch TLCP đã xảy ra tại 710 thôn, 125 xã thuộc 9 huyện, thị xã, TP. Huế trên địa bàn tỉnh. Trong khi nguồn thịt lợn khan hiếm, giá cả tăng cao, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cũng cần tăng cường sử dụng thêm các loại thực phẩm thịt trâu, bò, gia cầm… nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm trong dịp tết cổ truyền.


Bài, ảnh: Hoàng Triều