Đang giữa mùa đông nhưng tình trạng cạn nước đã xảy ra ở nhiều con sông, hồ chứa và cả những cánh đồng cao, khiến người dân hết sức lo lắng.
Về các vùng nông thôn trên địa bàn thời gian này, không khó để nghe người dân phàn nàn về sự bất thường của thời tiết. Ngày nắng nhiều, ngày mưa ít. Như mọi năm, gian đoạn này thường mưa rét dầm dề, nhiều cánh đồng phải thực hiện tiêu úng thì nay nước chỉ xấp xấp ở các chân ruộng thấp, nhiều diện tích ruộng cao hầu như không có nước.
Không chỉ ruộng đồng, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước. Đơn cử như mực nước hồ thủy điện Bình Điền xuống thấp, hiện thiếu hơn 300 triệu m3 nước so với dung tích khiến sản lượng điện giảm đáng kể. Thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, mực nước các hồ chứa trên địa bàn đều xuống thấp bởi lượng mưa trên địa bàn năm nay không lớn.
Cùng với Thừa Thiên Huế, tình trạng thiếu nước đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Tại miền Trung, nhiều hồ chứa các nhà máy thủy điện như Sông Bung, A Vương (Quảng Nam), chỉ mới đạt dung tích từ 25 -30%, khiến một số tổ máy phải ngừng phát điện do thiếu nước. Nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh miền Tây, mực nước trên các dòng sông xuống thấp, làm mặn xâm nhập sớm, đã ảnh hưởng đến sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân…
Thực tế cho thấy, năm nay, số lượng cơn bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh ít hơn mọi năm, kèm theo đó là ít mưa và hầu như không có lụt.
Lũ lụt không chỉ cung cấp một lượng phù sa cần thiết cho đồng ruộng mà còn góp phần thau chua, rửa mặn; tiêu diệt các loại địch họa như chuột, sâu bệnh. Như vậy, thiếu lũ lụt không chỉ không cung cấp đủ nước cho các hồ chứa mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái… Theo đó, việc sản xuất trong năm tới sẽ gặp nhiều ít khó khăn, nếu không có biện pháp chủ động ứng phó.
Thông tin nhận định từ khí tượng thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong thời gian tới trên địa bàn là rất lớn. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND yêu cầu chính quyền các cấp, các sở ngành liên quan bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020. Theo đó, phải xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn…
Trong nhiều giải pháp được đưa ra, theo chúng tôi, giải pháp tiết kiệm là cần thiết hơn cả. Tiết kiệm ở đây là tiết kiệm nguồn nước trong sản xuất, sinh hoạt, điều tiết nguồn nước hợp lý trong vận hành hồ chứa, sản xuất điện… nhằm duy trì nguồn nước trong tưới tiêu và sinh hoạt; đồng thời thực hiện chủ trương tiết kiệm điện hiệu quả. Bên cạnh đó, cần triển khai các biện pháp hợp lý trong sản xuất nông nghiệp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường các biện pháp khoa học kỹ thuật, đảm bảo năng xuất, góp phần ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt cho người dân.
Đặng Thành