Thông tin từ hội thảo cho biết, lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam liên tục tăng, đứng thứ 3 trong thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong đó miền Trung là địa điểm khách du lịch Nhật Bản thích lựa chọn, bởi nơi đây có rất nhiều di sản văn hoá thế giới. Tuy nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng đại diện Hiệp hội Du lịch Nhật Bản cho rằng, chất lượng từ hướng dẫn viên đến các dịch vụ tiện ích, thái độ phục vụ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế; có những điều tưởng như rất nhỏ như nhà vệ sinh thiếu và không sạch sẽ, nếu không được cải thiện, sẽ khiến du khách giảm bớt sự hài lòng.

Thừa Thiên Huế nằm ở vị trí trung độ của cả nước, thuận lợi cả đường bộ, đường thuỷ lẫn đường hàng không; Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa vật thể, Nhã nhạc cung đình Huế - được công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; Festival Huế trở thành lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế. Di sản Huế cùng với những di sản ở khu vực miền Trung như Quảng Bình, Quảng Nam hình thành nên “con đường di sản miền Trung”... Tất cả những yếu tố trên là nguồn tài nguyên du lịch vô giá, tạo cho Thừa Thiên Huế lợi thế so sánh để phát triển nhiều loại hình du lịch, dịch vụ.
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, tỉnh và ngành du lịch có những giải pháp đồng bộ, cụ thể, tạo bước phát triển khá nhanh cho ngành du lịch. Nếu như năm 2010, khách tham quan đến với Thừa Thỉên Huế là 1,7 triệu, năm 2012 là 2,5 triệu thì năm 2013 là 2,59 triệu, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012. Năm 2014, tỉnh phấn đấu đón 2,8-3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt từ 1,2-1,3 triệu lượt, khách nội địa đạt 1,7-1,8 triệu lượt; khách lưu trú đạt 2 triệu lượt.
Tổng doanh thu toàn ngành tăng 16-18% (2.800-2.900 tỷ đồng), du lịch và dịch vụ đóng góp 54-55% GDP của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy rất mừng với những con số trên, nhưng đi sâu vào phân tích chắc chắn còn nhiều chuyện phải bàn. Như lượng khách đến Huế đã tương xứng với tiềm năng của tỉnh hay chưa; khách đến nhiều mà có lưu trú hay không; thời gian lưu trú chỉ bình quân hơn 2,2 ngày thì hiệu quả đã cao hay chưa? Câu trả lời chắc chắn là chưa hài lòng. Trở lại những “chuyện nhỏ” mà du khách Nhật Bản phàn nàn. Những chuyện này chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được. Đơn cử như chuyện nhà vệ sinh công cộng ở các điểm du lịch, ngay bản thân tôi cũng rất ngại khi sử dụng. Nếu xã hội hoá đầu tư những nhà vệ sinh đẹp, sạch và có người trực phục vụ thì dù có phải bỏ tiền du khách cũng hài lòng...
Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, trước hết phải chăm chút du khách từ những chuyện tưởng chừng rất nhỏ. Khi các “thượng đế” hài lòng, chắc chắn họ sẽ lưu lại lâu hơn và sẵn sàng rút hầu bao. Không những thế, họ sẽ nhớ và quay trở lại cùng với bạn bè, người thân. Một mũi tên trúng nhiều đích.
Hoàng Giang