Tiêu chí “bốn không”
Năm 2009 trở về trước, thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn - nơi có 100% đồng bào theo đạo Thiên Chúa, là thôn “trắng” đảng viên. “Thực tế cho thấy, thôn “trắng” đảng viên, khi triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn, nên công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở gặp nhiều vướng mắc, lúng túng... Vì thế, việc xóa thôn “trắng” đảng viên là nhiệm vụ quan trọng cấp thiết lúc bấy giờ”, Bí thư Đảng ủy xã Phong Sơn Trần Xuân Tự nhớ lại.
Nhiều tuyến đường được đầu tư ở Thanh Tân |
Làm thế nào để xóa thôn, bản “trắng” đảng viên là cả một vấn đề không chỉ ở Đảng bộ xã Phong Sơn, mà hầu như ở các đảng bộ xã khác của huyện Phong Điền. Cái khó lớn nhất mà Đảng ủy xã Phong Sơn nhận thấy ở Thanh Tân chính là tư tưởng, nhận thức của người dân đối với tổ chức Đảng chưa cao. Từ tiền đề chi bộ ghép và sự vận động của đảng viên, các đoàn thể, có 6 quần chúng ưu tú ở thôn Thanh Tân làm đơn xin gia nhập Đảng. Ngày 6 quần chúng ưu tú ở Thanh Tân được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm vui của toàn Đảng bộ. “Chúng tôi rất vui vì nhận thức, tư tưởng, quan điểm về Đảng của bà con thôn Thanh Tân đã thay đổi rất nhiều. Họ đã hướng về Đảng, muốn con em mình vào Đảng”, Bí thư Đảng ủy xã Phong Sơn, Trần Xuân Tự chi sẻ.
Ông Trần Ngọc Mác, Bí thư Chi bộ bản Hạ Long, xã Phong Mỹ nhớ lại: “Bản mình có 95% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày đầu xóa bản “trắng” đảng viên khó lắm. Thứ nhất, là tư tưởng của người dân chưa thông, nhận thức về Đảng còn hạn chế. Thứ hai, việc tạo nguồn để giới thiệu cho tổ chức Đảng cũng không phải dễ. Sau quá trình vận động, cùng với những việc làm thiết thực của Đảng, Nhà nước như: làm đường giao thông, xây trường học, quan tâm chăm lo đời sống người dân… nên họ càng thấy rõ vai trò của tổ chức Đảng. Vì thế, con em trong bản phấn đấu học tập để trở thành đoàn viên, thành cô giáo, thầy giáo. Đó chính là nguồn để bản xóa “trắng” đảng viên.
Chi bộ bản Hạ Long hiện có 24 đảng viên, sinh hoạt ở 3 tổ đảng. Điều đặc biệt ở Chi bộ bản Hạ Long, quần chúng muốn được kết nạp vào tổ chức Đảng phải đạt 4 không: “Không sinh con thứ 3 trở lên, không có tai nạn giao thông, không có trộm cắp và không có tệ nạn xã hội”.
Linh hoạt trong lãnh, chỉ đạo
Đảng bộ huyện Phong Điền hiện có 100% thôn, bản, trường học có chi bộ Đảng - xóa được tình trạng thôn, bản “trắng” đảng viên. Toàn Đảng bộ có 42 tổ chức cơ sở Đảng và 21 chi bộ cơ sở cơ quan, trường học; 270 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với 2.696 đảng viên. |
“Vẫn biết là rất khó khăn, nhưng phải quyết tâm để thực hiện bằng được. Quyết tâm đó đã được cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình hành động cụ thể của các cấp ủy Đảng ở Phong Điền. Nếu gặp khó khăn mà không quyết tâm để thực hiện thì khó đạt được kết quả. Tuy nhiên, cũng cần có sự linh hoạt trong công tác lãnh, chỉ đạo điều hành để phát triển đảng viên tại các thôn, bản, trường học”, Bí thư Huyện ủy Phong Điền Hồ Bê đúc rút kinh nghiệm.
Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác phát triển đảng viên, nhất là ở những thôn, bản gặp nhiều khó khăn do nguồn phát triển đảng viên hạn chế, nhiều thanh niên đi làm ăn xa, số khác do sinh con một bề nên không muốn vào Đảng. Chất lượng lãnh đạo của một số chi bộ chưa cao, do năng lực lãnh đạo chưa tốt, thiếu kinh nghiệm. Nhiều đảng viên do sống ở địa bàn khác, nên chưa sâu sát với thôn, bản do mình làm bí thư chi bộ, một số trưởng thôn chưa là đảng viên, số lượng đảng viên ít và hoạt động của các đoàn thể chưa thực sự hiệu quả. Sinh hoạt chi bộ ở những nơi này chưa thực sự thiết thực, phong phú, ít sinh hoạt chuyên đề, nên chất lượng nghị quyết và việc triển khai thực hiện nghị quyết chưa cao.
Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, phân công các đồng chí ủy viên huyện và cấp xã thường xuyên tham dự sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản, nhất là các chi bộ có biểu hiện yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện đúng Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng thôn, bản các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Đó là kinh nghiệm để 147/147 thôn, bản của huyện Phong Điền đều có chi bộ Đảng.