Ở vùng ven phá Tam Giang, tỷ lệ mất cân bằng giới tính ngày càng rõ

Xoá tư tưởng "Trọng nam, khinh nữ”

Anh NHB. ở TX Hương Thủy và vợ đều là cán bộ. Cách đây hơn 5 năm vợ chồng anh đã có hai "công chúa" lên 7 tuổi và 5 tuổi. Tuy nhiên áp lực của gia tộc, họ hàng nội ngoại làm anh băn khoăn suy nghĩ kiếm thêm một "hoàng tử" để nối ngôi. Kết quả, gần đây vợ chồng anh sinh thêm... một "công chúa".

Chia sẻ việc có tiếp tục sinh thêm con anh B. nói, dù không ai nói ra nhưng khi vợ chồng anh sinh con gái thứ 3 người thân gia đình không mấy vui vẻ. Vợ chồng anh bây giờ đã "thấm thía" việc sinh thêm con, nhất là quan điểm mong muốn tìm kiếm "hoàng tử" để nối dõi tông đường.

Mới đây trò chuyện với bác sĩ Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc TTYT huyện Phú Vang quanh lĩnh vực dân số. Bác sĩ Tuấn chia sẻ, trường hợp như gia đình anh B. hiện không phải hiếm. Nhiều trường hợp nghèo khó, vùng sâu vùng xa, thậm chí là cán bộ Nhà nước, đảng viên vẫn nặng nề vấn đề sinh con trai để nối dõi tông đường. Hơn nữa, hiện nay với phát triển y học về phương tiện kỹ thuật lẫn trình độ chuyên môn của cán bộ y tế là điều kiện để nhiều gia đình tìm cách lựa chọn giới tính thai nhi, dù vẫn biết Chính phủ đã có những quy định nghiêm cấm.

 Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh bình quân của cả nước hiện ở mức rất cao, gần 115 bé trai/100 bé gái, vượt quá ngưỡng an toàn cho phép (từ 103-107 bé trai/100 bé gái). Theo ngưỡng này ở Thừa Thiên Huế đang ở trong tình trạng mất cân bằng giới tính với 112,8 bé trai/100 bé gái.

Cân bằng giới tính

Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Tôn Thất Chiểu, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ. Như vậy, số nam giới “ế vợ” sẽ tăng lên. Điều này vô hình chung sẽ gây sức ép lên các vấn đề xã hội, như các em gái buộc phải kết hôn sớm, gia tăng tệ nạn xã hội mại dâm, nạn buôn bán phụ nữ…

Để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, gần đây, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các chương trình hội thảo, tuyên truyền về việc thực hiện bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho cán bộ, nhân viên, công nhân lao động... Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh tổ chức nói chuyện, cung cấp kiến thức, kỹ năng về kế hoạch hóa gia đình, tình dục an toàn, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục... Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ chú trọng đến công tác truyền thông xuyên suốt truyền tải với thông điệp “Dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ” đến mọi người dân, đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho thấy hiện nay, phụ nữ đã có những vị thế nhất định trong xã hội và cần được bình đẳng, đối xử tốt...

Từ năm 2009, Bộ Y tế ban hành văn bản về việc nghiêm cấm lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính thai nhi. Từ năm 2011, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2012-2020”. Trong đó lưu ý mục tiêu giảm mạnh tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này trở lại mức bình thường 103-107 bé trai/100 bé gái chậm nhất vào năm 2025.

Ông Tôn Thất Chiểu nêu thực tế, nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề mang tầm vĩ mô, không riêng của ngành y tế mà cần cả cộng đồng xã hội quan tâm. Tuy nhiên với vai trò trách nhiệm của đơn vị, Chi Cục DS-KHHGĐ tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, bài trừ việc lựa chọn giới tính; trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" nhằm xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng ở xã hội phát triển...

Bài, ảnh: Minh Hy