Bước sang năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Hai chức danh này không phải chúng ta mới đảm nhận, nhưng đây là lần đầu tiên cùng một lúc làm nhiệm vụ “kép” của tổ chức trong khu vực và diễn đàn lớn nhất thế giới. Vinh dự, tự hào lớn lao nhưng cũng gắn liền với trách nhiệm nặng nề trong vai trò củng cố hòa bình, an ninh quốc tế.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN) có 11 nước và 1 quốc gia quan sát viên (Pa-pua Niu Ghi-nê). Việt Nam tham gia tổ chức ASEAN từ ngày 28/7/1995 và đã từng làm chủ tịch luân phiên lần đầu vào năm 2010. Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên; trong đó có 5 nước thường trực (không thay đổi) gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 nước không thường trực. Các nước không thường trực được thay phiên theo nhiệm kỳ 2 năm, được phân bổ số lượng cố định cho các khu vực và châu lục. Việt Nam nằm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gồm 54 quốc gia và lần này các nước thống nhất cao giới thiệu Việt Nam là ứng cử viên duy nhất. Mỗi nước muốn trúng cử cần phải có ít nhất 129 phiếu (129/193 nước bỏ phiếu), nhưng với kết quả 192/193 nước bầu cho Việt Nam thể hiện sự tin tưởng, ủng hộ rất cao của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam nhận trách nhiệm trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Thách thức lớn nhất hiện nay là môi trường hòa bình, an ninh đang bị bao phủ bởi xung đột, bạo lực, tham vọng của một số nước về lãnh thổ, tài nguyên và đe dọa chiến tranh quân sự.

Cùng với sự phát triển thời kỳ Công nghệ 4.0, các tổ chức ẩn danh lợi dụng công nghệ cao hình thành loại tội phạm mới, tội phạm phi truyền thống, tạo ra mất ổn định với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Những vấn đề đó đòi hỏi Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó Việt Nam khi đảm nhận vai trò của mình phải có tiếng nói và đề xuất giải pháp khả thi cho hòa bình, ổn định của cộng đồng thế giới.

Thách thức, trách nhiệm nặng nề, nhưng Việt Nam có đủ tự tin, bản lĩnh và kinh nghiệm để đồng thời thực hiện nhiệm vụ kép mà cộng đồng quốc tế và khu vực đã tin tưởng trao gửi. Sự tin tưởng đó xuất phát từ những đóng góp, cống hiến của Việt Nam trong việc giữ gìn an ninh, ổn định trên thế giới trong nhiều năm qua. Nhà báo, nhà phân tích chính trị Mỹ James Borton đã viết: “Trong 3 thập kỷ qua, Hà Nội đã được toàn thể các nước công nhận là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đó cũng là lý do tại sao các nước lại ủng hộ và bầu cho Việt Nam với số lượng cao gần như tuyệt đối.

Tiếp nối những nỗ lực của một thành viên ASEAN trong nhiều năm, chúng ta sẽ là cầu nối quan trọng gắn kết LHQ với các nước ASEAN, triển khai các chương trình, kế hoạch đồng bộ với những mục tiêu của tổ chức LHQ đã đề ra. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng khi giải quyết những vấn đề phức tạp trong khu vực và quốc tế. Quan tâm hàng đầu hiện nay là tình hình phức tạp trên Biển Đông với những ưu tiên đó là: Hòa bình, ổn định; tự do hàng hải, hàng không; tuân thủ tuyên bố ứng xử các bên (DOC); xây dựng quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Mục tiêu cao nhất là góp phần tích cực vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác. Điều đó không chỉ có ý nghĩa trong khu vực mà tạo ra khả năng gắn kết hiệu quả giữa cộng đồng ASEAN với các nước trên thế giới.

Những năm qua, các thế lực thù địch đang tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bằng mọi phương thức, chúng đưa ra những thông tin sai lệch để vận động các nước không bầu cho Việt Nam; đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các nước vi phạm nhân quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo... Lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông, dưới chiêu bài yêu nước, chúng tung ra những sự kiện xấu, không có thật, cố tình làm sai lệch đường lối đối ngoại, kích động chia rẽ quan hệ với các nước, chia rẽ  Đảng với Nhân dân. Âm mưu là nhằm từng bước hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng, uy tín của Nhà nước ở trong nước và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, với những gì đạt được trên mọi mặt đã khẳng định uy tín Nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng cao, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh hơn bao giờ hết. Con số gần như tuyệt đối các nước bầu cho Việt Nam làm Ủy viên không thường trực là một minh chứng rõ ràng nhất. Những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội trong những năm qua đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao là thực tế không thể phủ nhận.

NGUYỄN AN HÒA