Nhà thờ Đức Bà Paris không tổ chức lễ Giáng sinh sau hơn 200 năm do đang sửa chữa và phục dựng sau vụ hỏa hoạn vào tháng 4. Ảnh: AP
“Tới nay nhà thờ vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm. Nó sẽ chỉ hết nguy hiểm khi chúng ta có thể lấy phần giàn giáo còn lại ra”, linh mục Chavet trả lời hãng tin AP bên ngoài buổi lễ Giáng sinh tại một nhà thờ gần đó.
“50% khả năng công trình sẽ được cứu. Tuy nhiên, 50% còn lại là giàn giáo sẽ đổ sập xuống 3 mái vòm. Vậy nên, khả năng nhà thờ có thể phục hồi hoàn toàn là hết sức mong manh”, linh mục Chavet cho biết.
Vụ hỏa hoạn hồi tháng 4/2019, khiến phần mái vòm của Nhà thờ bị phá hủy và phần chóp của nhà thờ đổ sập. Không còn phần mái để giữ ổn định cấu trúc của nhà thờ, nên những mái vòm còn lại phải chịu toàn bộ lực để chống đỡ cho các bức tường đá đứng vững.
Hệ thống giàn giáo gồm 50.000 ống tuýp được dựng lên dọc phía sau nhà thờ vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, nhiều phần giàn giáo đã bị hư hại. Việc dỡ bỏ giàn giáo mà không gây thêm vấn đề gì là một trong những nhiệm vụ khó khăn trong quá trình dọn dẹp sau vụ cháy.
Linh mục Chavet cho rằng: “Chúng ta cần phải dỡ bỏ toàn bộ giàn giáo để đảm bảo an toàn cho cấu trúc nhà thờ, vì vậy tới năm 2021, quá trình phục dựng sẽ bắt đầu. Sau khi giàn giáo được dỡ bỏ, cần phải đánh giá tình trạng hiện tại của nhà thờ, số lượng đá cần loại bỏ và thay thế”.
Ước tính sẽ mất thêm 3 năm nữa để phục dựng nhà thờ đủ an toàn cho người dân vào bên trong, nhưng việc phục hồi hoàn toàn sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông muốn việc trùng tu sẽ hoàn thành vào năm 2024, khi Paris đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi về mốc thời gian này trong thực tế.
Một lý do nữa khiến việc tổ chức các nghi lễ bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn còn nguy hiểm là do vụ hỏa hoạn đã thải ra hàng tấn bụi chì độc hại. Các nhà chức trách đang nỗ lực khắc phục và đánh giá các rủi ro liên quan tới sức khỏe.
Theo VOV