Trên địa bàn tỉnh hiện có 88 làng nghề và ngành nghề nông thôn. Các loại hình hoạt động tại các làng nghề, gồm: chế biến nông lâm, thủy sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác, chế biến khoáng sản; công nghiệp dệt may, da giày, thêu đan; sản xuất, gia công sửa chữa cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ...

Hầu hết các ngành nghề sản xuất đều phát sinh các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân trong vùng và khu vực lân cận. Trong khi đó, rất ít làng nghề được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Công nghệ sản xuất lạc hậu là lý do lớn nhất gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và vùng nông thôn. Hệ thống thiết bị lạc hậu và không đồng bộ, đều do các hộ gia đình làm chủ, thuê lao động tại chỗ và vốn ít.

Dù công tác bảo vệ môi trường làng nghề đang được chú trọng và nằm trong tiêu chí đánh giá, công nhận xây dựng nông thôn mới, song tốc độ cải tiến công nghệ ở các làng nghề còn chậm, mang tính tự phát do các chủ sản xuất tự tìm hiểu và ứng dụng, thiếu tư vấn, hướng dẫn của các nhà chuyên môn.

Các chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, qui hoạch sản xuất tập trung, áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng... chưa tới được người dân.

Việc đầu tư cho công nghệ xử lý môi trường chưa được các chủ cơ sở cũng như chính quyền địa phương quan tâm. Lý do vì phần vốn bỏ ra để đầu tư xây dựng, vận hành tương đối lớn, trong khi nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất lại cần nhiều hơn. Phần khác vì chưa có công nghệ phù hợp, chi phí xử lý quá cao, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng của các làng nghề quá thấp kém; hoạt động mang tính "cha truyền con nối" nên khó cho việc nghiên cứu, thay thế, cải tiến áp dụng công nghệ mới.

Các làng nghề phát triển một cách tự phát, phần lớn các địa phương vẫn chưa có các biện pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm làng nghề để có thể thuận lợi trong quản lý và xử lý chất thải; chưa có giải pháp về tổ chức thu gom, xử lý chất thải hiệu quả; chưa thực hiện được công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường.

Cùng với điều kiện về cơ sở vật chất vừa thiếu và yếu, công tác quản lý môi trường các làng nghề còn gặp những bất cập về con người và hệ thống pháp luật. Phần lớn cán bộ ở cấp huyện, xã phường đều chưa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý môi trường, công việc chủ yếu là quản lý đất đai. Do vậy, công tác quản lý môi trường ở các làng nghề gần như bỏ trống, vấn đề môi trường cũng không được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Những nguyên nhân trên là lý do dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề ngày càng phức tạp; từ đó nảy sinh tình trạng xung đột môi trường tại các làng nghề và đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu giữa nhóm làm nghề tiểu thủ công và nhóm làm nông nghiệp, giữa nhóm dân cư chịu hậu quả ô nhiễm.

Trước thực trạng chung này, không chỉ tự thân các chủ cơ sở, làng nghề mà còn cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có giải pháp giải quyết sớm tình trạng môi trường, nhất là để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ phát triển quá trình kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

Hoài Nguyên