Siêu âm thai nhi tại phòng khám tư ở TP. Huế

Nhiều "điều kiện" để lựa chọn

Tuần vừa rồi, tôi đến thăm cô em. Nhìn vẻ mặt cô buồn buồn, hỏi ra mới biết nguyên nhân là siêu âm thai nhi biết là bé gái. Cô cho biết, từ khi có kế hoạch sinh cháu thứ hai, vợ chồng cô thu thập nhiều thông tin, như tìm hiểu kinh nghiệm những người đi trước, uống thuốc bắc, siêu âm ngày rụng trứng, lựa chọn ăn uống thực phẩm khoa học... Lúc mang thai được 2 tháng, vợ chồng cô lại tìm đến thầy lang để bắt mạch xem giới tính. Khi siêu âm thai lần đầu, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh bảo “giống mẹ” cô tỏ ra khá thất vọng. Mặc dù vậy, cô vẫn tiếp tục đi siêu âm thai lần 2, lần 3... Cuối cùng kết quả siêu âm cũng như lần đầu.

Quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Đáp ứng nhu cầu sinh con theo ý muốn của nhiều gia đình, dịch vụ tại các phòng khám tư phát triển khá nhanh như siêu âm trứng, que thử giới tính thai nhi, bắt mạch, siêu âm thai… Ngoài các phương pháp trên, nhiều vợ chồng đã đến các cơ sở y tế khác để xét nghiệm máu, nước tiểu... nhằm chẩn đoán thai nhi.

Một bác sĩ công tác ở phòng khám tư ở TP. Huế chia sẻ, anh từng gặp một phụ nữ “nhờ” lấy máu để gửi đi làm xét nghiệm chẩn đoán giới tính thai nhi. Khi anh từ chối làm dịch vụ này, người phụ nữ này tìm đến cơ sở y tế khác để "xác định" giới tính thai nhi. Bác sĩ này nêu thực tế, hiện nay có khá nhiều trường hợp tìm mọi cách để có "quý tử", thế nhưng khi biết giới tính thai nhi là gái, có người còn nhẫn tâm bỏ.

Khó kiểm soát

Hôm rồi, tôi đưa bà xã kiểm tra sức khỏe tại phòng khám ở đường Phan Chu Trinh, TP. Huế. Tình cờ trò chuyện với một phụ nữ vừa được kiểm tra thai nhi tại đây, bà xã vui miệng hỏi: "Cháu thứ mấy, trai hay gái". Cô gái ấy cười tủm tỉm bảo: "Dạ, nó giống cha" và trong tờ giấy ghi kết quả siêu âm không thấy một dòng nào ghi giới tính thai nhi là trai.

Theo quy định của Pháp lệnh Dân số và Nghị định số 114 ngày 3/11/2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em có quy định cụ thể về hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức (tư vấn, chẩn đoán giới tính thai nhi, phá thai…) đều bị nghiêm cấm. Song, thực tế rất khó để phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm kể trên.

Ông Lê Đức Hy, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục Dân số - Kế hóa gia đình, Sở Y tế chia sẻ, để phát hiện và xử lý các vi phạm về việc lựa chọn giới tính thai nhi không phải là việc dễ dàng. Đơn giản, đối tượng “đồng phạm” với các cơ sở, bác sĩ, thầy lang xác định giới tính thai nhi không dại gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Hơn nữa, vì là vấn đề tế nhị, là việc riêng của gia đình, không muốn cho ai biết. Chưa kể, mọi giao dịch liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi chỉ dừng lại việc trao đổi bằng lời nói giữa các bên liên quan, khó có bằng chứng để cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Vừa qua, thực hiện Pháp lệnh Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, ngành y tế đã thành lập đoàn tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh sách báo, ấn phẩm có nội dung tuyên truyền, phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn. Hoạt động thanh, kiểm tra đã góp phần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; đồng thời, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc không nên tham khảo các sách, báo tài liệu có nội dung liên quan để không vi phạm các quy định của Pháp lệnh Dân số. Tuy nhiên, việc vi phạm quy định của Pháp lệnh Dân số về lựa chọn giới tính thai nhi trên thực tế vẫn diễn ra mà không phải lúc nào các cơ quan chức năng có thể phát hiện, xử lý vi phạm nói trên vì không có bằng chứng.

Tỷ lệ giới tính khi sinh ở Thừa Thiên Huế đang ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước (112,8 bé trai/100 bé gái) là do nhận thức và hành vi lựa chọn giới tính của nhiều cặp vợ chồng mong muốn có con trai trong gia đình. Giải pháp nào để đưa tỷ lệ giới tính trở lai mức cân bằng (103 - 107 bé trai/100 bé gái) là một câu hỏi lớn, thực sự đòi hỏi cộng đồng xã hội quan tâm; trong đó mấu chốt là làm sao xóa bỏ tư tưởng tìm con trai để nối dõi tông đường...

Nghị định số 176/2013/NĐ - CP của Chính phủ còn quy định mức xử phạt về các hành vi vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, phạt tiền từ 1 - 15 triệu đồng cùng với các biện pháp khắc phục hậu quả.

Nghị định này cũng nêu rõ, các hành vi chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi sẽ bị phạt tiền từ 3 -10 triệu đồng về việc chẩn đoán, tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bên cạnh đó, còn có hình thức xử phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề đối với cơ sở y tế, cán bộ y tế vi phạm.

Bài, ảnh: Văn Hy