Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông chia sẻ về công trình nghiên cứu "Mỹ thuật Nguyễn"

Cuốn sách là một công trình nghiên cứu với gần 300 trang khổ lớn, có hàng trăm phụ bản tranh, ảnh, tượng, mang đến cho độc giả những thông tin giá trị về mỹ thuật Nguyễn từ thời các chúa khai mở xứ Đàng Trong đến thời vua Nguyễn thống nhất đất nước.

Trong tác phẩm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông trình bày đầy đủ những nét đặc trưng của mỹ thuật Nguyễn, gồm: kiến trúc, hội họa, đồ họa, điêu khắc và nghệ thuật trang trí, từ dân gian đến cung đình... Đây là tư liệu cần thiết cho những ai quan tâm đến lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam từ thời chúa Nguyễn đến vương triều Nguyễn.

Từ kết quả nghiên cứu, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông nhận định: “Khó có thể khái quát được nét đặc trưng trong mỹ thuật kiến trúc, tạo hình hay nói rộng ra là phong cách nghệ thuật Nguyễn thống nhất mang tầm vóc quốc gia. Người ta có thể bàn đến nét cô đọng khá điển hình về nền mỹ thuật Lý, Trần, Lê… nhưng đối với triều Nguyễn thì không thể. Bởi lẽ dễ hiểu, địa giới và tầm ảnh hưởng của triều đình Đại Việt trong thời tiền Nguyễn, không chịu sự tác động của quá trình Nam tiến đến mức tạo ra sự khác biệt tức thời, mà chúng từ tốn hình thành những sắc thái vùng miền, khuynh loát nét đặc trưng triều đại, khi xứ Đàng Trong đã ổn định như một “vương quốc” độc lập và cách ly. Cho nên, khi đất nước thống nhất dưới thời Gia Long cho đến các triều đại sau đó, những nét đặc sắc vốn được tạo dựng ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong chẳng có những thay đổi lớn nào đáng kể…”.

Nhà nghiên cứu chia sẻ, đây là công trình nghiên cứu được ông “thai nghén” từ thời còn là sinh viên, trải qua quá trình dài tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát. Để viết cuốn sách này, ông đã thực hiện 3 chuyến đi xuyên Việt để nghiên cứu và thu thập tư liệu.

Tin, ảnh: Minh Hiền